Khát vọng phát triển, động lực để ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ địa phương

(Banker.vn) Ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, ngoài nhiệm vụ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương (NHTW) tại địa bàn và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho phát triển kinh tế xã hội thành phố theo định hướng đã đề ra, còn cần tập trung thực hiện tốt 2 chương trình đề án về kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp khởi nghiệp và đề án về xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Ngành Ngân hàng hoạt động tại mỗi địa phương trên cả nước, ngoài nhiệm vụ chức năng được giao quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và ngân hàng trên địa bàn, còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đó là hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương trong từng thời kỳ.

Theo đó, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2025, ngoài nhiệm vụ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương (NHTW) tại địa bàn và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho phát triển kinh tế xã hội thành phố theo định hướng đã đề ra, còn cần tập trung thực hiện tốt 2 chương trình đề án về kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp khởi nghiệp và đề án về xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Đây là những nhiệm vụ quan trọng trong 51 chương trình, đề án thành phần của Thành phố nhằm thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã đề ra. Dưới góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và ngân hàng, để thực hiện tốt 2 chương trình, đề án này, ngành Ngân hàng cần tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, gắn với định hướng, giải pháp và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng của NHTW. Đồng thời vận dụng linh hoạt vào thực tiễn tại Thành phố để đưa các chương trình, đề án này đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, trong đó, việc phát huy tinh thần khát vọng phát triển để khai thác trở thành động lực cho ngành Ngân hàng thành phố thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ địa phương có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện hiện nay.

Động lực này xuất phát từ chính lòng yêu nghề, lòng tự hào của mỗi cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng Thành phố, cùng với phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và trình độ năng lực của mỗi cán bộ ngân hàng sẽ tạo nên nguồn lực mềm cho phát triển. Đây là nguồn lực vô hạn nếu mỗi đơn vị, tổ chức và mỗi ngân hàng thương mại biết vận dụng, khai thác và phát huy tinh thần khát vọng phát triển; biết vận dụng và khơi dậy niềm tự hào “tôi là cán bộ ngân hàng 4.0”, trong vai trò phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân Thành phố của mỗi đơn vị tổ chức tín dụng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với bản chất và tinh thần “em đi làm tín dụng”, vừa tự hào, vừa nhân văn và động lực to lớn cho mỗi hành động của cá nhân, tổ chức góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong từng năm, trong toàn nhiệm kỳ 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần khát vọng phát triển mà Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra. Khát vọng đó trở thành những hành động cụ thể của ngành Ngân hàng bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể.

Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đã được xây dựng và cụ thể nhiệm vụ từng năm, là cơ sở để hoàn thành chương trình này trong giai đoạn 2020-2025 của ngành Ngân hàng Thành phố. Trong đó, trong năm đầu tiên của giai đoạn 2020-2025, do tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tinh thần khát vọng phát triển đã được ngành Ngân hàng Thành phố cụ thể hóa bằng các hành động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, với phương châm: chia sẻ và đồng hành vượt khó, các hoạt động về giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; cho vay lãi suất thấp với gần triệu tỷ đồng tín dụng được hỗ trợ… đã tạo điều kiện thuận lợi và trực tiếp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, duy trì, ổn định và tăng trưởng, góp phần quan trọng vào kỳ tích tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch.

Khát vọng phát triển, tinh thần đó, trở thành động lực lớn và lan tỏa trong toàn ngành và được nhận thức, thực hiện bằng hành động cụ thể của mỗi cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng từ cơ quan quản lý đến các tổ chức tín dụng sẽ tạo ra sức mạnh không giới hạn và là động lực thúc đẩy để ngành Ngân hàng phát triển, trở thành động lực cạnh tranh mềm để mỗi tổ chức tín dụng thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch đề ra, góp phần để ngành Ngân hàng Thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương trên địa bàn. Để thực hiện tốt điều này, mỗi tổ chức tín dụng, đặc biệt là người đứng đầu, ban lãnh đạo đơn vị cần quan tâm có những giải pháp thiết thực hiệu quả trong việc khơi dậy và lan tỏa tinh thần khát vọng phát triển bằng những hành động cụ thể, những phương châm hành động thiết thực và được thực hiện gương mẫu, quyết tâm, quyết liệt từ người đứng đầu, từ ban lãnh đạo trong toàn hệ thống của tổ chức tín dụng, của toàn ngành Ngân hàng. Khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo và lòng yêu nghề, tự hào với công việc đang làm của mỗi cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng là nhiệm vụ của cả hệ thống, song phải được thực hiện và hành động cụ thể, thường xuyên và trách nhiệm từ mỗi cán bộ nhân viên trong ngành, tạo môi trường làm việc, xây dựng văn hóa công sở gắn với phát triển đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp, sẽ là nền tảng quan trọng và phản ánh kết quả thiết thực của quá trình biến khát vọng phát triển thành động lực, nguồn lực để ngành ngân hàng thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ địa phương tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nguyễn Đức Lệnh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục