Khánh Hòa chú trọng trang bị kiến thức về Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp

(Banker.vn) Khánh Hòa có 2 mặt hàng chủ lực được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là thủy sản và dệt may. Tương lai gần, nhiều nông sản khác cũng có cơ hội mở rộng thị trường.
Khánh Hòa có 11 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2022 Đồng Tháp tích cực triển khai Hiệp định EVFTA

Để trang bị thêm kiến thức về EVFTA, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực phổ biến kinh nghiệm, các hàng rào pháp lý cho doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường EU.

Tích cực triển khai hiệp định

Theo Sở Công Thương Khánh Hòa, Hiệp định EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho mặt hàng xuất khẩu của Khánh Hòa như dệt may, cà phê, thủy sản… mở ra nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm… Đặc biệt, hiệp định giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường EU.

Khánh Hòa chú trọng trang bị kiến thức về Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp
Thủy sản là 1 trong 2 mặt hàng chủ lực của Khánh Hòa hiện được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA

Khánh Hòa hiện có 2 mặt hàng chủ lực được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là thủy sản và dệt may. Trong tương lại gần, mặt hàng đồ gỗ và nhiều nông sản khác cũng có cơ hội để mở rộng thị trường. Về lĩnh vực dệt may, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty Cổ phần May Cam Ranh, Xí nghiệp may Khatoco… là những đơn vị có sản phẩm tiêu thụ ở thị trường châu Âu nhiều nhất.

Nhằm giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng như VCCI tại Khánh Hòa mời chuyên gia kinh tế phổ biến kinh nghiệm cũng như các hàng rào pháp lý cho doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường EU.

Sau hội nghị trực tuyến với Chính phủ về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến những lợi ích, quy định của Hiệp định EVFTA; nhanh chóng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong triển khai thực hiện hiệp định, để UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ và có hướng dẫn phù hợp.

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” trên địa bàn; chỉ định cơ quan đầu mối triển khai thực hiện hiệp định; giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì thông tin về Hiệp định EVFTA...

Thực hiện chỉ đạo, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị phổ biến Quy tắc xuất xứ hàng hóa và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA cho 50 cán bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA tại điểm cầu Khánh Hòa cho công chức các sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; mời doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự các hội nghị tập huấn chuyên sâu về Hiệp định EVFTA; tổ chức hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA; Diễn đàn Hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác Liên minh châu Âu...

Các đơn vị cùng vào cuộc

Quay lại thời điểm ngay khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, ngày 3/9/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định số 2337/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của kế hoạch là cụ thể hóa các nhiệm vụ, nội dung công việc chủ yếu đã đề ra trong Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tỉnh nắm được nội dung và thực thi có hiệu quả các cam kết trong EVFTA.

Kế hoạch đề ra các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu như: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; rà soát nội dung văn bản quy phạm pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương là đơn vị đầu mối, có nhiệm vụ thường xuyên trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến hiệp định; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện EVFTA trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc hay vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện nội dung theo Kế hoạch và phụ lục kèm theo, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương theo quy định.

Với vai trò của mình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa được giao nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI; đưa tin về chống khai thác IUU, lắp đặt các pano tuyên truyền chống hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, nội dung Chỉ thị 689/CT-TTg, Công điện 732/CĐ-TTg và bản đồ thể hiện ranh giới vùng biển tại cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Đá Bạc để ngư dân ghi nhớ và thực hiện. Lắp đặt pano tuyên truyền về nghiêm cấm sử dụng chất độc, xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản theo Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Lắp đặt 15 pano tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017 tại các xã phường ven biển...; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ và các hợp tác xã nông nghiệp.

Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động khoa học - công nghệ; nâng cao kiến thức về thực thi quyền sở hữu trí tuệ vượt qua rào cản kỹ thuật thúc đẩy công tác xuất nhập khẩu thông qua một số hoạt động như: Hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân các thủ tục liên quan về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hướng dẫn cơ sở đăng ký mã số, mã vạch đối với mặt hàng cà phê và bột ca cao...; cung cấp thông báo của các nước WTO (đã dịch sang tiếng Việt) cho Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Riêng với Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Khánh Hòa hướng dẫn doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện kê khai hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương trong quá trình đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi; thực hiện việc kiểm tra hồ sơ và cấp C/O trong thời gian sớm nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và hoàn thành các thủ tục cần thiết trong hoạt động xuất khẩu.

Nhận định của Sở Công Thương Khánh Hòa cho thấy, việc tham gia Hiệp định EVFTA tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường lớn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thực hiện tốt chính sách về an sinh xã hội; tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn đầu tư từ nước ngoài, dẫn đến việc tiếp nhận ngày càng tăng nguồn vốn FDI giúp phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao mức sống người dân, đồng thời tạo ra nhiều ngành, lĩnh vực mới; nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở ngoài, tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia; tiếp tục hỗ trợ địa phương trong công tác tập huấn thông tin đối ngoại, triển khai thực hiện các cam kết trong Hiệp định EVFTA theo từng chuyên đề cụ thể.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục