Khẳng định “ngôi vương” ngành rau quả, xuất khẩu sầu riêng cán mốc 1,2 tỷ USD sau 8 tháng

(Banker.vn) Xuất khẩu sầu riêng đã lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc 1,2 tỷ USD trong 8 tháng năm 2023, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
“Đánh bật” thanh long, xuất khẩu sầu riêng đạt con số kỷ lục Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, cách nào để chắc chân thị trường? Mặt hàng sầu riêng đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mức kỷ lục

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD.

Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất cho ngành hàng rau quả Việt Nam.

Khẳng định “ngôi vương” ngành rau quả, xuất khẩu sầu riêng cán mốc 1,2 tỷ USD sau 8 tháng
Xuất khẩu sầu riêng cán mốc 1,3 tỷ USD

Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng đã lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, chiếm 30% trong tổng kim ngạch rau quả.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng đã tăng mạnh liên tục từ cuối năm 2022 đến nay và tăng đột biến trong tháng 5 và 6, với giá trị thu về lần lượt là 332 và 375 triệu USD do đây là chính vụ thu hoạch sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Sang tháng 7, sầu riêng xuất khẩu thu về gần 154 triệu USD, giảm 60,5% so với tháng 6 vì qua cao điểm thu hoạch sầu riêng, sản lượng không có nhiều.

Tuy nhiên, bước sang tháng 9, sầu riêng thu hoạch rộ tại khu vực Tây Nguyên, nơi có diện tích trồng lớn nhất cả nước. Thời điểm này, chỉ có Việt Nam có sầu riêng tươi cung cấp cho thị trường thế giới nên mặt bằng giá khá cao.

Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng sắp tới sẽ có thêm mít. Thậm chí, nước này cũng xem xét cho dừa tươi Việt được xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, nước này hiện vẫn thực hiện kiểm hóa 100% đối với hàng nông sản, hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu phát hiện có sinh vật gây hại trên mặt hàng, họ sẽ xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu.

Nhằm kiểm soát chặt hơn chất lượng rau quả xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định liên quan đến quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả và quy định xử phạt hành chính đối với các vi phạm.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ thì Việt Nam vẫn còn tiếp tục thu hoạch phục vụ xuất khẩu. Dự báo những tháng còn lại của năm 2023 chúng ta còn vùng sầu riêng còn lại ở Tây Nguyên chưa khai thác. Cộng thêm những mặt hàng trái cây khác nữa, dự đoán xuất khẩu trái cây 2023 sẽ khoảng 5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch sẽ bằng dự đoán quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho năm 2025, sớm hơn kế hoạch 2 năm.

Giá sầu riêng xuất khẩu ở mức cao đã đẩy giá thu mua nội địa tăng cao. Ngày 2/9, các vựa sầu riêng tại Tây Nguyên phát giá từ 93.000 – 96.000 đồng/kg sầu riêng loại 1; 78.000 – 82.000 đồng/sầu riêng loại 2. Ngay cả sầu riêng "dạt" cũng có giá lên đến gần 50.000 đồng/kg.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương