Khẩn trương khôi phục sản xuất, không để thiếu thực phẩm Tết 2025

(Banker.vn) Trong chăn nuôi, với gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng,… cấp bách khôi phục sản xuất, đảm bảo đủ thực phẩm Tết 2025.
Đã có địa phương công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 của học sinh Bộ Y tế khuyến cáo đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân vùng bão, lũ Thứ trưởng Trương Thanh Hoài yêu cầu nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm

Bão số 3 và mưa lũ làm tăng trưởng nông nghiệp giảm khoảng 0,33%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm trên 3.700 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 26.000 con gia súc, trên 2,9 triệu con gia cầm bị chết.

Siêu bão Yagi càn quét các tỉnh miền Bắc, đã gây thiệt hại nặng nề cho các DN thuỷ sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng... (Ảnh: VASEP)
Siêu bão Yagi càn quét các tỉnh miền Bắc, đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp thuỷ sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng... Ảnh: VASEP

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là 2 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Tính toán sơ bộ bước đầu, thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, chăn nuôi cũng khoảng 2.000 tỷ đồng. Tính chung cả ngành nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính suy giảm nông nghiệp sẽ khoảng 0,33%.

“Đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản rất lớn. Với quy mô lớn, phương thức chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản rất hiện đại, đặc biệt là nuôi biển, nhiều hộ gia đình đã phải vay vốn rất lớn”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng chục nghìn tỷ đồng là con số ước thiệt hại từ cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Khôi phục sản xuất, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu được đặt ra lúc này.

Ông Phùng Đức Tiến cho hay, với kinh nghiệm ứng phó bão lũ miền Trung cuối năm 2020 và dịch tả lợn châu Phi từng xảy ra, để nhanh chóng khôi phục sản xuất nếu hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị với Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phục hồi sản xuất sau cơn bão số 3. Đây là một văn bản rất quan trọng để đạt được mục tiêu phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Khôi phục sản xuất, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao cho các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực họp với các địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật, con giống, vật tư sản xuất, thức ăn, thuốc…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Chính phủ hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.

Ngay sau hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15/9, chiều 16/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của các địa phương để đình hoãn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, thậm chí có những hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất chăn nuôi và thủy sản trong thời gian ngắn nhất.

Những thiệt hại đã xảy ra ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm. Do vậy, phục hồi sản xuất là yếu tố quan trọng nhất đối với nông nghiệp hiện nay.

Để giải quyết vấn đề này, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm. Điều này cũng nhằm hạn chế nhất ảnh hưởng đến CPI, xuất khẩu, tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Riêng với xuất khẩu, với kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm 2024, cùng với các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương quyết tâm phấn đấu đạt được các chỉ tiêu Chính phủ giao. Do đó, Bộ sẽ không điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Trong chăn nuôi với gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng; vịt ngan chỉ có 45-50 ngày là có sản lượng. Từ nay đến Tết, ngành nông nghiệp có thể hoàn toàn phục hồi được với chu kỳ sản xuất tùy theo đối tượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng sẽ sớm phục hồi sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để đảm bảo nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu.

Bộ Tài chính vừa gửi Công điện số 03/CĐ-BTC đến các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề nghị đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3. Trong đó, địa phương có trách nhiệm triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân. Giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân.

Mục tiêu của các các biện pháp nhằm hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ. Bộ Tài chính cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực bố trí lực lượng 24/24h; tổ chức xuất cấp gạo, các phương tiện, vật tư cứu nạn, cứu hộ… kịp thời từ các kho dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục