Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới đây đã có văn bản yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch lương thực được giao năm 2023. Văn bản được đưa ra trong bối cảnh thị trường có biến động mạnh về cung - cầu và giá lương thực.
Gạo được bán tại chợ dân sinh tại Hà Nội. Ảnh Nguyễn Hạnh |
Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền;
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực và dự báo, đánh giá những tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng mua gạo dự trữ quốc gia đã ký để chủ động có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ hàng dự trữ quốc gia; báo cáo, tham mưu cho Tổng cục trong chỉ đạo điều hành nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, cân đối nguồn lực dự trữ quốc gia để kịp thời tham mưu cho Tổng cục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết; đảm bảo mức tồn kho dự trữ quốc gia, đáp ứng chủ động sẵn sàng, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách; không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh...
Về phía Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tăng cường phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật dự trữ quốc gia, của Bộ Tài chính và của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trong nhập, xuất, bảo quản, bảo vệ, đảm bảo an toàn về số lượng và chất lượng hàng dự trữ quốc gia;
Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân; nghiêm cấm mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định, đúng thẩm quyền của đơn vị.
Tổng cục đã chủ động rà soát, cân đối nguồn lực lương thực dự trữ quốc gia; đảm bảo duy trì mức tồn kho hợp lý, đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu quy định, chủ động, ứng phó nhanh, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách, không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo.
Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước theo dõi sát diễn biến của thị trường, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực, nhu cầu xuất cấp của các địa phương để phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan, kịp thời tham mưu trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch và dự toán năm 2023 để mua bổ sung lương thực dự trữ quốc gia nếu thấy cần thiết;
Đồng thời xây dựng kế hoạch mua lương thực năm 2024 với mức dự trữ phù hợp, đảm bảo nguồn lực dự trữ sẵn sàng thực hiện xuất cấp kịp thời theo quyết định của cấp có thẩm quyền và góp phần tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết.
Tổng cục cũng bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trúng thầu, khẩn trương hoàn thành nhập kho dự trữ số lượng gạo theo hợp đồng đã ký kết; thực hiện công tác bảo quản, bảo vệ an toàn số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia, tạo mọi điều kiện cho các nhà thầu trong thực hiện hợp đồng gạo...
Liên quan đến vấn đề này, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cung ứng lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia bị đứt gãy, giúp ngành lúa gạo Việt Nam hưởng lợi, đơn hàng tăng. Ngoài Philippines, Trung Quốc và EU cũng đang tăng mạnh nhập hàng chất lượng từ Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nói chung đang không đủ cầu nên giá gạo có thể tăng tiếp từ nay tới cuối năm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 8/2023, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 456.768 tấn, với trị giá đạt trên 266 triệu USD. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu gạo bình quân trong giai đoạn này là trên 582 USD/tấn, tức tăng đáng kể so với con số 543 USD/tấn của tháng 7 và 534 USD/tấn của 7 tháng đầu năm nay.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành nông nghiệp vừa công bố, Chứng khoán VnDirect vẫn kỳ vọng 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo.
Nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Hiện Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nguồn cung trong nước của Philippines đang ở mức thấp do tồn kho cho năm 2023 khá thấp và sản lượng gạo được dự báo sẽ giảm do thiệt hại mùa màng từ hậu quả của cơn bão Noru.
Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á (thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh) có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong niên vụ 2022 - 2023.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên. Do sản lượng trong nước giảm, nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong giai đoạn 2022 - 2023, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Bên cạnh đó, sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây. Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong cuối năm 2023.
Theo quan điểm của VnDirect, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.
Hiện nay, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vấn đề vốn, tín dụng. Trước đó, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.
"Cần tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch lúa gạo, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay vốn phù hợp", bà Bùi Thị Thanh Tâm đề nghị.
Nguyễn Hạnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|