Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú

(Banker.vn) Bộ trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên vừa mang những nét chung lại chứa đựng những nét riêng mang đậm bản sắc của dân tộc mình.
“Nghệ nhân” trong lòng đồng bào dân tộc Khơ Mú Lễ cầu mùa dân tộc Khơ Mú

Dân tộc Khơ Mú,tỉnh Điện Biên vốn gắn liền tập quán canh tác làm nương rẫy gần gũi với thiên nhiên, cho nên trang phục truyền thống của họ cũng mộc mạc nhưng đậm đà bản sắc.

Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú mộc mạc đậm đà bản sắc

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Khơ Mú gồm có: Khăn màu đen đội đầu, áo cỏm màu đen với hàng cúc ở ngực, ngoài ra còn có dây lưng, váy, xà cạp, khăn đội đầu, bộ xà tích thắt lưng…

Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Phụ nữ Khơ Mú trong trang phục truyền thống
Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Phụ nữ Khơ Mú thường mặc áo màu chàm, đen, dài đến eo

Trang phục truyền thống nữ dân tộc Khơ Mú có nhiều điểm tương đồng so với trang phục phụ nữ người Thái, song vẫn có nét riêng biệt để nhận diện. Điểm nhận diện rõ nhất về trang phục của người phụ nữ Khơ Mú đó là chiếc áo. Nếu như phụ nữ Thái mặc áo nhiều màu sắc khác nhau thì áo của phụ nữ Khơ Mú thường màu đen, dài đến eo. Cổ áo cắt theo hình chữ V nẹp viền bằng dải thổ cẩm, mặt trước áo đáp tấm vải thổ cẩm rộng khoảng 20 cm thêu hoa văn rực sỡ chạy từ cổ áo đến hết thân áo. Đây là điểm nhấn thu hút nhất của chiếc áo phụ nữ dân tộc Khơ Mú.

Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Hoa văn chạy từ cổ áo đến hết thân áo là điểm nhấn thu hút của các cô gái Khơ Mú
Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Váy màu đen, dài từ eo xuống mắt cá chân

Váy của phụ nữ Khơ Mú có nhiều nét pha trộn với váy của người Thái và Lào. Váy màu đen, dài từ eo xuống mắt cá chân. Thân váy, gấu váy được thêu họa tiết hoa văn dọc chạy theo thân váy. Váy khi mặc được giữ lại bởi chiếc thắt lưng quấn quanh eo, thắt lưng bằng lụa, màu sáng, điểm thắt nút thường nằm ở phần hông bên phải.

Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Khăn đội đầu tạo phong cách riêng biệt cho phụ nữ Khơ Mú

Bằng cách phối nhiều màu sắc và kỹ thuật thể hiện, hoa văn trên khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Khơ Mú trở nên vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ. Khi đội khăn, người Khơ Mú đã biết tạo cho mình một phong cách riêng biệt. Khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Khơ Mú được trang trí thêm các họa tiết hoa văn bằng chỉ thêu, những sợi tua và hoa vải màu ở hai đầu khăn. Mảng trang trí đẹp mắt này là sự giao thoa văn hóa giữa người Khơ Mú với người Thái trong vùng. Do vậy, loại khăn này cũng được gọi là "khăn piêu” như cách gọi của người Thái.

Chiêm ngưỡng bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Khơ Mú, dễ dàng nhận thấy bên cạnh tiếp thu những tinh hoa trang phục truyền thống của người Thái, đồng bào dân tộc Khơ Mú đã sáng tạo nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình vừa mang những nét chung lại chứa đựng những nét riêng mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Trang phục của nam dân tộc Khơ Mú mộc mạc giản dị

Trong khi đó, trang phục của nam dân tộc Khơ Mú mộc mạc giản dị, được may bằng vải bông nhuộm chàm. Vào những dịp lễ, tết, cưới hỏi, đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen và đội mũ nồi đối với người già, áo ngắn có khuy bằng vải đen đối với người trẻ tuổi. Trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa đặc trưng được dân tộc Khơ Mú đang được đồng bào tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp này.

Khám phá nét đặc sắc của trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú luôn được đồng bào gìn giữ và bảo tồn

Thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phạm Tiệp

Theo: Báo Công Thương