Hôm nay, ngày 15/2/2024, nhằm đúng ngày khai xuân mùng 6 Tết, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã tiến hành công bố thông tin về việc được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận phương án phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ.
Nội dung công bố thông tin của Hoàng Anh Gia Lai |
Theo đó, ngày 7/2/2024, UBCKNN đã có văn bản gửi Hoàng Anh Gia Lai thông qua việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Nhà chức trách đề nghị, trong 10 ngày kể từ khi kết thúc đợt chào bán, Hoàng Anh Gia Lai phải báo cáo kết quả chào bán kèm theo xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong toả về số tiền thu được.
Nếu đợt chào bán này diễn ra thành công, Hoàng Anh Gia Lai sẽ thu về 1.300 tỷ đồng.
Với số tiền này, theo phương án điều chỉnh thứ tự ưu tiên sử dụng vốn công bố hồi cuối tháng 1/2024, trước hết, doanh nghiệp của bầu Đức sẽ sử dụng 346 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu. Tiếp đến, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phân bổ 253 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ cho công ty con là Gia súc Lơ Pang tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB). Sau dùng, doanh nghiệp mới dành 700 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai.
Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã nhiều lần điều chỉnh danh sách nhà đầu tư tham gia đợt phát hành cổ phiếu. Theo danh sách cuối cùng được chốt, các nhà đầu tư tham gia đợt chào bán tới đây gồm: Công ty CP Chứng khoán LPBank đăng ký mua 50 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 4,73%; Công ty CP Tập đoàn Thaigroup đăng ký mua 52 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 4,92%; và nhà đầu tư cá nhân Lê Minh Tâm (thay ông Nguyễn Đức Quân Tùng) đăng ký mua 28 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 2,65% vốn điều lệ.
Trong một diễn biến khác, trong ngày được UBCKNN chấp thuận kế hoạch phát hành cổ phiếu, chiều ngày 7/2/2024, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố thông tin về việc nhận được đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của ông Võ Trường Sơn. Trước đó một ngày, ông Sơn đã có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Cần biết, ông Võ Trường Sơn được xem là một “lão tướng” của Hoàng Anh Gia Lai khi đã có 16 năm gắn bó với doanh nghiệp này, trong đó có 9 năm ngồi “ghế nóng”.
Chân dung ông Võ Trường Sơn, cựu Tổng Giám đốc của Hoàng Anh Gia Lai |
Cùng ngày, Hoàng Anh Gia Lai đã bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thắng vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, thay thế ông Sơn. Theo tìm hiểu, tân Tổng Giám đốc của Hoàng Anh Gia Lai sinh năm 1977, là Cử nhân Kinh tế, đã gia nhập “đế chế” này vào năm 2007 và đang là Thành viên HĐQT Hoàng Anh Gia Lai.
Màn “thay tướng” của Hoàng Anh Gia Lai diễn ra trong bối cảnh “đại gia” phố núi đang triển khai kế hoạch tái cấu trúc, với hai định hướng chính là trả nợ và đầu tư phát triển mảng lõi nông nghiệp.
Trước đó, doanh nghiệp của bầu Đức vừa thanh toán 442 tỷ đồng tiền gốc đối với lô trái phiếu HAGLBOND16.26. Đây là lô trái phiếu được phát hành ngày 30/12/2016 với tổng giá trị là 6.546 tỷ đồng, có kỳ hạn 10 năm, tương ứng đáo hạn vào ngày 30/12/2026. Trái chủ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID).
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính quý IV/2023 của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần quý cuối năm tăng 16% so với cùng kỳ, lên 1.898 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ sau quý II/2016. Giá vốn hàng bán quý IV/2023 tăng tới 39%, nhanh hơn đà tăng của doanh thu, đã khiến lợi nhuận gộp giảm gần một nửa, xuống còn 217 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần sụt giảm được bù đắp hoàn toàn bởi khoản doanh thu tài chính lên tới 295 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quý IV, Tập đoàn đã thực hiện thanh lý một số khoản đầu tư, qua đó mang về 240 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 không ghi nhận khoản mục này.
Chưa kể, nhờ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) miễn giảm hơn 1.424 tỷ đồng lãi vay, doanh nghiệp của bầu Đức còn được hoàn nhập 996 tỷ đồng chi phí tài chính, trong khi cùng kỳ năm ngoái phải chịu hơn 421 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh và phải ghi nhận thêm 254 tỷ đồng tiền lỗ khác, Hoàng Anh Gia Lai vẫn lãi sau thuế 1.107 tỷ đồng, tăng gấp 4,76 lần với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Luỹ kế năm 2023, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tăng 36%, đạt 6.932 tỷ đồng, thiết lập kỷ kinh doanh mới. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.805 tỷ đồng, tăng gần 76% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 1.817 tỷ đồng, tăng gần 62%. Đây là mức lãi cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai, chỉ sau khoản lợi nhuận 2.081 tỷ đồng đạt được năm 2010.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên khai xuân, cổ phiếu HAG tăng 2,28%, đóng cửa ở mức 13.450 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lập kỷ lục kinh doanh sau màn xoá nợ kinh điển với Eximbank Nhờ Eximbank miễn giảm hơn 1.424 tỷ đồng lãi vay, Hoàng Anh Gia Lai được hoàn nhập 996 tỷ đồng chi phí tài chính, khiến ... |
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thanh toán hơn 440 tỷ đồng nợ trái phiếu trước Tết Nguyên đán Trước Tết Nguyên đán, Hoàng Anh Gia Lai đã chi tổng cộng 442 tỷ đồng để trả nợ gốc cho lô trái trái phiếu HAGBOND16.26 ... |
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) “thay tướng” trong ngày làm việc cuối cùng của năm “Lão tướng” Võ Trường Sơn chính thức từ nhiệm sau 16 năm gắn bó và 9 năm giữ chức Tổng Giám đốc của Hoàng Anh ... |
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|