Khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Banker.vn) Việc gắn giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp sản phẩm dễ dàng được tiêu thụ trong và ngoài nước.
Kênh phân phối Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc Quảng Nam: Quảng bá sản phẩm miền núi đến với du khách

Phương thức mới để phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc

Những năm gần đây, việc phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.

Hiện nay đã xuất hiện các doanh nghiệp, tổ chức xã hội phối hợp cùng các địa phương có các chương trình, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm gắn với các giá trị văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó hình thành các sản phẩm đặc sắc, khác biệt của bà con.

Nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương đã trở thành thế mạnh được tiêu thụ ở các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Từ đó không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc ở địa phương.

Thông tin tại Tọa đàm Khai thác giá trị văn hoá, phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 29/9, bà Bế Hồng Vân - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách dân tộc - Ủy ban dân tộc cho biết, những năm trước đây, vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến năm 2021, vấn đề phát triển thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số được thể hiện rất rõ nét ở dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, ở tiểu dự án 2 của dự án này đã đưa ra mục tiêu là hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền và sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, yếu tố giá trị văn hóa các dân tộc đã được thể hiện cụ thể tại dự án 6 trong chương trình này, đó là bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với du lịch. Trong đó đã đề ra phương hướng rất rõ là khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, về văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch lịch sử văn hóa, đẩy mạnh việc phát triển du lịch xanh gắn với việc tôn trọng yếu tố tự nhiên cũng như văn hóa địa phương, vùng dân tộc thiểu số.

Kết quả, đến nay, cả nước đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức được 52 sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch; sự kiện quảng bá tiêu thụ sản phẩm của đồng bào,…

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trần Tuyết Lan - Giám đốc Công ty CP Doanh nghiệp Xã hội Craft Link chia sẻ, những năm qua, Craft Link đã tiến hành rất nhiều dự án ở khắp mọi miền của đất nước với rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số để tập huấn và hỗ trợ cho họ tăng thêm nội lực, để họ sử dụng chính những kĩ năng làm hàng thủ công truyền thống đó và những đặc trưng văn hoá truyền thống đưa vào các sản phẩm mới, có thể giới thiệu, quảng bá ra thị trường, từ đó tăng thêm thu nhập.

Khi thu nhập tăng cao thì đồng bào sẽ vui, sẽ quay lại làm nhiều hơn nữa các sản phẩm thủ công truyền thống, nhờ vậy nền văn hoá và bản sắc văn hoá được gìn giữ, phục hồi và phát huy, lưu giữ cho thế hệ mai sau.

Khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Việc gắn giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp sản phẩm dễ dàng được tiêu thụ

Một trong những dự án được Craft Link tiến hành là kết hợp với UNDCP (Chương trình Kiểm soát ma tuý của Liên Hợp Quốc) hỗ trợ nhóm người Mông ở Kỳ Sơn - Nghệ An xóa bỏ cây thuốc phiện, đồng thời thay thế thu nhập từ thuốc phiện trước kia bằng thu nhập từ sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công truyền thống.

“Sau hai năm, dự án kết thúc, hầu hết các chị em tham gia trong dự án đều trả lời rằng chúng tôi rất vui bởi vì thứ nhất là chúng tôi tự kiếm được thêm thu nhập. Phụ nữ Mông trước kia hầu như không tự kiếm được thu nhập bằng tiền, nhưng giờ đã có thể bán sản phẩm để có tiền. Thứ hai là những người phụ nữ Mông thấy rằng kỹ năng làm nghề truyền thống của họ được phục hồi và hàng ngày họ vừa có thể vừa làm vừa chăm sóc con cái” – bà Trần Tuyết Lan nói.

Mỗi năm, Craft Link cũng tổ chức các hội chợ hàng thủ công truyền thống và mời các nhóm tham gia, để nhóm cũng có thể trực tiếp giao lưu với công chúng và khách hàng. Thông qua quá trình đó, họ không chỉ giới thiệu được nét văn hóa truyền thống của chính họ mà họ còn học hỏi từ khách hàng và công chúng về nhu cầu và xu hướng của thị trường.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Thực tế từ các địa phương cho thấy, thời gian qua, việc triển khai các chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc đã phát huy hiệu quả.

Qua đó, góp phần phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy, cần có những định hướng, chính sách và hành động quyết liệt, phù hợp hơn để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa.

Theo bà Bế Hồng Vân, có thể nói đến thời điểm này, về quan điểm cũng như định hướng, mục tiêu về việc hỗ trợ phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được thể hiện rất nhiều trong các văn bản của Chính phủ. Thời gian tới, chính sách phải có những hành động cụ thể và hiệu quả để đạt được những mục tiêu mới.

Cụ thể, cần phải tạo một môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị gồm cơ quan chính quyền, đó là đại diện cho cơ chế, chính sách.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai thành công vai trò hỗ trợ kỹ thuật và tạo động lực cho việc khai thác các giá trị văn hóa trong sản xuất và phát triển sản phẩm vùng dân tộc.

Thêm nữa, phải đưa những yếu tố tri thức, những văn hóa truyền thống cũng như cố kết cộng đồng vào trong tiêu chí để lựa chọn những dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị. Đặc biệt, chính sách phải lưu ý đến đội ngũ nghệ nhân tại địa phương vì đây là những nhân chứng sống truyền thụ và lưu giữ văn hóa địa phương đến muôn đời.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương