Khái niệm về lạm phát, nguyên nhân dẫn đến lạm phát

(Banker.vn) Lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà bất kỳ nhà đầu tư hay đơn giản là người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến lạm phát bởi nó ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Vậy lạm phát là gì? Hiện tượng lạm phát xảy ra khi nào? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Khái niệm lạm phát

Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.

Có 3 mức độ lạm phát chính và được thể hiện qua tỷ lệ phần trăm. Cụ thể:

Lạm phát tự nhiên: Mức độ này thể hiện nền kinh tế hoạt động tương đối bình thường, rủi ro ít xảy ra và đời sống nhân dân ổn định.

Lạm phát phi mã: Khi giá cả hàng hóa đang tăng nhanh, tỷ lệ lạm phát tăng nhanh vọt từ 10% đến mức dưới 1000% đó chính là lạm phát phi mã. Mức độ này rất dễ gây biến động lớn cho thị trường kinh tế.

Khái niệm về lạm phát, nguyên nhân dẫn đến lạm phát
Hình minh họa

Siêu lạm phát: Mức độ lạm phát tăng rất nhanh, khó kiểm soát bởi tỷ lệ tăng vọt trên 1000%. Siêu lạm phát gây nên những hậu quả vô cùng to lớn cho nền kinh tế, mất rất nhiều thời gian để khắc phục. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.

Nguyên nhân xảy ra hiện tượng lạm phát

Lạm phát xảy ra do cầu kéo

Hiện tượng lạm phát xảy ra do cầu kéo là khi nhu cầu tiêu dùng của người dân trên thị trường dần tăng lên. Đối với một mặt hàng hóa hay dịch vụ nào đó có nhu cầu tăng lên, từ đó giá của loại mặt hàng đó cũng tăng lên. Vì thế đã kéo theo những mặt hàng hóa, dịch vụ khác cũng tăng giá theo.

Ví dụ, đối với loại thực phẩm như thịt lợn. Nhu cầu người dân sử dụng thịt lợn tăng cao. Nguồn hàng có sẵn dần trở nên khan hiếm hơn dẫn đến giá thịt tăng lên. Không chỉ thế, do sự tăng giá đó đã kéo theo giá của các món làm từ thịt lợn cũng tăng lên và các loại nông thực phẩm khác cũng tăng theo…

Lạm phát xảy ra do chi phí đẩy

Khi giá cả của một hoặc vài yếu tố tham gia quá trình sản xuất tăng lên thì tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng tăng theo. Từ đó giá thành của sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ tăng giá, đây chính là hiện tượng lạm phát xảy ra do chi phí đẩy. Các chi phí đầu vào tham gia vào sản xuất gồm chi phí nguyên vật liệu, trang thiết bị, chi trả nguồn nhân lực,...

Việc cung cấp dầu giảm đi đột ngột có thể khiến giá dầu tăng cao. Từ đó, hiện tượng lạm phát do chi phí đẩy xảy ra. Dầu là một trong những yếu tố tham gia quá trình sản xuất kinh doanh cũng được xem là một phần chi phí của doanh nghiệp đó. Đương nhiên khi giá tăng cùng các chi phí sản xuất khác nên giá bán ra thị trường cũng tăng đáng kể.

Lạm phát xảy ra do cơ cấu

Trường hợp lạm phát xảy ra do cơ cấu khá phức tạp trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp - nhân lực. Khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tốt, doanh thu tăng thì đồng nghĩa họ sẽ tăng phần tiền công cho người lao động. Nhưng cũng có một số doanh nghiệp tăng tiền công cho người lao động theo “danh nghĩa”.

Chẳng hạn như việc kinh doanh của doanh nghiệp không được tốt, nhưng phải cập nhật xu hướng thị trường nên buộc phải tăng lương cho người lao động. Họ buộc phải tăng giá sản phẩm để kiếm được nguồn thu đủ bù vào phần tăng lên. Từ đó tình trạng lạm phát do cơ cấu bắt đầu xảy ra.

Lạm phát xảy ra do xuất khẩu

Khi hàng hóa xuất khẩu có số lượng tăng vọt lên đến tổng cầu sẽ tăng nhưng tổng cung lại không thể đáp ứng hết được. Khi đó sẽ cần thu gom các mặt hàng trong nước để đáp ứng hết các nhu cầu xuất khẩu. Do vậy mà tình trạng cầu trong nước không được đáp ứng. Hiện tượng lạm phát xảy ra do sự mất cân bằng giữa cung và cầu.

Lạm phát xảy ra do nhập khẩu

Giá cả của các loại hàng hóa nhập khẩu thường tăng do chi phí thuế tăng hoặc xu hướng thị trường thế giới tăng. Từ đó giá bán hàng hóa sẽ có mức bán giá tăng cao. Tại một thời điểm nhất định khi mức giá chung bị ảnh hưởng bởi hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh thì sẽ gây ra hiện tượng lạm phát.

Lạm phát xảy ra do cầu thay đổi

Mối quan hệ giữa cầu và cung thay đổi dẫn đến tình trạng nhà cung ứng độc quyền cung cấp một loại hàng hóa nào đó cùng mức chính sách giá không ổn định và tăng giá liên tục. Thậm chí hiện tượng lạm phát do cầu thay đổi này cho thấy nguồn cầu đã giảm giá thì giá bán ra cũng không hề giảm xuống.

Lạm phát tiền tệ

Khi Ngân hàng trung ương mua các loại công trái phiếu theo yêu cầu của Nhà nước, điều đó dẫn đến lượng tiền lưu thông trong nước tăng lên. Hoặc ở một trường hợp khác do ngân hàng mua ngoại tệ để giữ cho đồng tiền không bị mất giá so với tiền ngoại tệ. Tất cả là nguyên nhân dẫn đến lạm phát tiền tệ.

Tác động của lạm phát đến nền kinh tế

Trong điều kiện bình thường, nền kinh tế nào cũng tồn tại lạm phát và nó ở mức độ chấp nhận được, thường dưới 10%/năm đối với các nước đang phát triển. Khi nó vượt qua ngưỡng này thì lúc đó nó sẽ gây ra những hệ lụy, tác động đến sự phân phối của cải không theo nỗ lực công hiến và nhu cầu, ví dụ các hợp đồng tín dụng dài hạn.

Nó thường được tính toán dựa trên tỷ lệ lạm phát dự tính. Nếu lạm phát thực tế cao hơn lạm phát dự tính thì: Người đi vay, ngân hàng và doanh nghiệp được lợi, trong khi đó, người cho vay, người gửi tiết kiệm và người lao động nhận một số tiền lương cố định chưa được điều chỉnh theo lạm phát sẽ chịu thiệt.

Khi lạm phát xảy ra, chúng ta cần nhiều tiền hơn để sẵn sàng cho việc chi trả những món hàng hóa như khi chưa có lạm phát. Khiến chúng ta phải đi vay tiền tại tổ chức tín dụng chẳng hạn và các doanh nghiệp cũng cần phải vay vốn nhiều hơn để nhập nguyên vật liệu và hàng hóa duy trì hoạt động kinh doanh.

Nhiều người vay dẫn đến các ngân hàng phải tăng lãi suất, nếu lãi suất tăng nhiều mà doanh nghiệp sử dụng số tiền đó để kinh doanh, khoản lợi nhuận do kinh doanh mang lại nhỏ hơn số tiền lãi phải trả ngân hàng thì nền kinh tế có nguy cơ suy thoái vì các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.

Lúc đó, số người thất nghiệp sẽ gia tăng, đời sống người dân sẽ khó khăn. Thu nhập người dân bị giảm mạnh. Một hệ lụy khủng khiếp là khi lạm phát xảy ra người giàu sẽ tích lũy tài sản và hàng hóa. Trong khi người nghèo không có đủ tiền mua sắm hàng hóa thiết yếu hàng ngày.

Đình Trọng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục