Khai mạc Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

(Banker.vn) Chiều 10/4, tại Thành phố Hải Phòng, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 đã diễn ra.
Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 Đơn vị thiết kế khách sạn Nikko Hà Nội chính thức có mặt tại Việt Nam Bắc Ninh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 và chương trình Golden Dragon Awards lần thứ 23 do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức. Chủ đề của Diễn đàn năm nay: Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp.

Khai mạc Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, cùng đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VCCI…; đại diện các cơ quan ngoại giao (đại sứ quán, lãnh sự quán); lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, cùng các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Diễn đàn Vietnam Connect là sự kiện được tổ chức thường niên, với mục tiêu trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và các cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao chủ đề “Hướng tới kinh tế xanh và bền vững” của diễn đàn năm nay.

"Đây không chỉ là chủ đề của một hội nghị mà chính là cam kết, là quyết tâm của tất cả chúng ta, dù đại diện cho quốc gia phát triển hay đang phát triển, dù là chính phủ, địa phương hay doanh nghiệp để cùng chung tay thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững", bà Hằng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ ra 3 xu thế lớn tác động đa chiều đối với tất cả các quốc gia.

Khai mạc Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khai mạc Diễn đàn

Thứ nhất, phát triển kinh tế xanh và bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Trong bối cảnh tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống, cùng với những căng thẳng địa chính trị đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp trở thành điều chỉnh “bắt buộc”.

Thứ hai, điểm đáng chú ý là hai xu thế tăng trưởng xanh và chuyển đổi số với phát triển của các công nghệ mới diễn ra đồng thời, tác động qua lại, đẩy nhanh cả hai tiến trình với tốc độ vượt trội.

Thứ ba, phải khẳng định cộng đồng quốc tế đã đạt nhận thức sâu sắc, có quyết tâm cao, mục tiêu tham vọng về việc cần hợp tác và hành động vì kinh tế xanh và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập và gắn kết sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy phát triển xanh và bền vững hiện nay.

"Vấn đề đặt ra không phải chỉ là nằm trong vòng xoáy mà Việt Nam cần quyết tâm nắm bắt cơ hội từ vòng xoáy đó để tạo đột phá trong phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045", bà Hằng nhấn mạnh.

Đại diện cho địa phương, phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành uỷ Thành phố Hải Phòng cho hay: Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.

Ðặc biệt, tại Hải Phòng, Khu công nghiệp DEEP C và Nam Cầu Kiền định hướng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái, đang đi tiên phong trong việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam”, ông Châu thông tin.

Bối cảnh thế giới đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Đồng thời giúp nhận thức rõ phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu và mỗi địa phương, trong đó có Hải Phòng. Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng đề xuất:

Khai mạc Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024
Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành uỷ Thành phố Hải Phòng

Vấn đề phát triển bền vững, phát thải ròng hay trung hòa carbon còn khá mới mẻ đối với một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp phải thể hiện tinh thần tiên phong, đi đầu để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững. Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, bằng cách trước mắt cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững.

Chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương. Vì vậy, các địa phương trên cả nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của Chính phủ.

Thành phố Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam. Đồng thời, phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch “xanh”. “Hải Phòng rất mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn đối với đề xuất này”, ông Châu bày tỏ.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Chính phủ đang thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Điều này đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và từng bước được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch năng lượng quốc gia, quy hoạch điện 8, quy hoạch các địa phương, cũng như trong các chiến lược, cam kết quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cuộc cách mạng xanh chỉ thành công khi có sự tham gian của các bên: Hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kiến tạo môi trường thuận lợi của Chính phủ, triển khai quyết liệt ở các địa phương. Đặc biệt là vai trò trung tâm trong triển khai thực hiện và hưởng thụ thành quả của doanh nghiệp, người dân.

Điều kiện tiên quyết là tạo lập môi trường pháp lý cởi mở, minh bạch, thuận lợi, kiến tạo phát triển, có tính cạnh tranh; hệ thống hạ tầng đồng bộ bao gồm cả hạ tầng số và nguồn nhân lực.

Quốc hội, Chính phủ đã và đang tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý cho tiến trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Trong lộ trình đến năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, luật công công nghiệp công nghệ số, cơ chế phát triển các ngành công nghiệp mới, cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường tín chỉ các-bon,…

Khai mạc Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024
Diễn đàn quy tụ sự tham gia đông đảo của đại diện các Bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước

Với tiền đề trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: Tại Diễn đàn, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương cùng chia sẻ về tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững của quốc gia và địa phương.

Các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp phân tích cơ hội, thách thức từ cả góc độ Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp; từ những bài học thành công, thực tiễn sinh động đóng góp trong hoàn thiện thể chế kiến tạo, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng dựa trên các tiêu chuẩn mới về môi trường, khí hậu, loại bỏ dần các ưu thế cạnh tranh dựa vào tài nguyên; các cơ chế tài chính, đầu tư, công nghệ, quản trị; các cơ chế chính sách để tận dụng cơ hội từ và giải quyết thách thức mới như an ninh, an toàn trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

Kiến nghị, đề xuất cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa Chính phủ các nước phát triển và các nước đang phát triển; giữa Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp trong thúc đẩy nghiên cứu phát triển một số công nghệ lõi như năng lượng mới, hydrogen, chip, bán dẫn.

Xác định rõ các nội dung cần chính phủ cần phải tập trung ưu tiên đầu tư để đóng vai trò thúc đẩy đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực hạ tầng số, hạ tầng xanh.

Kiến nghị giải pháp khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành nghề mới, đón đầu các xu thế phát triển mới. Cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ.

Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư một số lĩnh vực thúc đẩy chuyển đổi xanh như năng lượng tái tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, phát triển vật liệu mới, chíp, bán dẫn, phát triển kinh tế số, chính phủ số, chính quyền số, chuyển đổi xanh trong giao thông, phát triển đô thị thông minh, bảo vệ môi trường”, lãnh đạo Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục