Đối với các khoản nợ phải thu của khách hàng, ngân hàng thường đều nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ, đến bước cuối cùng, khi khách hàng không hợp tác, cơ quan tài phán là “cửa cuối” để ngân hàng có hy vọng thu hồi được nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, có những khách hàng chây ỳ trả nợ trong nhiều năm, khi ngân hàng khởi kiện, khách hàng viện dẫn quy định về thời hiệu khởi kiện để đề nghị Tòa án không thụ lý giải quyết.
Được biết, Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Về nguyên tắc, thời hiệu khởi kiện này được áp dụng đối với những hợp đồng đã có hiệu lực và trong quá trình thực hiện hợp đồng phát sinh tranh chấp. Đây chính là cơ sở pháp lý mà nhiều đương sự viện dẫn trong các vụ kiện đòi nợ của ngân hàng.
Đơn cử như vụ việc Ngân hàng S. khởi kiện Công ty T.An vừa được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội giải quyết. Theo đó, Ngân hàng N. cho Công ty T.An vay hơn 1 triệu USD từ năm 2010 với thời hạn 12 tháng, nhằm bổ sung vốn lưu động để thanh toán tiền café với lãi suất 7,2%. Công ty T.An đã thanh toán được một phần nợ gốc, lãi và sau đó không còn khả năng thanh toán.
Sau này Ngân hàng N. sáp nhập vào Ngân hàng S. Ngân hàng S. kế thừa quyền và nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng N. bao gồm cả khoản nợ của Công ty T.An. Do đó, Ngân hàng S. đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty T.An thanh toán số tiền nợ gốc và lãi là 2,29 triệu USD tương đương với 52,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công ty T.An cho rằng theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đến nay, đã quá thời hạn 3 năm, vì vậy Công ty T.An đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ việc.
Được biết, Tòa án đã không chấp nhận yêu cầu này của bị đơn. Theo Hội đồng xét xử, Điều 8 Hợp đồng tín dụng quy định: Ngân hàng được quyền tự động chuyển toàn bộ dư nợ gốc sang tài khoản nợ quá hạn và áp dụng mức lãi suất bằng một trăm năm mươi phần trăm (150%) lãi suất vay trong hạn ( tại thời điểm điều chỉnh lãi suất định kỳ gần nhất) cho dư nợ vay thực tế bị quá hạn và số ngày tính lãi quá hạn được tính từ ngày dư nợ vay thực tế bị quá hạn cho đến ngày Bên vay đã thực hiện xong việc thanh toán nợ toàn bộ dư nợ vay thực tế bị quá hạn theo Hợp đồng này cho Ngân hàng.
Tại khoản 24.2 Điều 24 Hợp đồng tín dụng quy định: Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ký ghi ở phần đầu của Hợp đồng. Hợp đồng sẽ kết thúc và được thanh lý khi bên vay đã thanh toán đầy đủ cho Ngân hàng toàn bộ nợ gốc, lãi tiền vay và các loại khoản thu, phí, tiền phạt, lãi phạt (nếu có) và hoàn tất các nghĩa vụ khác theo đúng quy định tại Hợp đồng này.
Theo quy định khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp "yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác". Từ những phân tích và viện dẫn nêu trên, Hội đồng xét xử đã buộc Công ty T.An phải thanh toán cho Ngân hàng S. số tiền 50,6 tỷ đồng.
Được biết, vào tháng 8/2021, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành văn bản số 02/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc trong xét xử trong đó nội dung tranh chấp dân sự có vấn đề hiệu lực hợp đồng. Văn bản hướng dẫn của Tòa án nêu trường hợp: ông A vay ngân hàng 1 tỷ đồng, thời hạn vay 1 tháng kể từ ngày 2/1/2017, lãi suất 2%/tháng. Sau thời hạn 1 tháng, ông A không trả được nợ gốc và lãi. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 3/2/2017 đến ngày 3/2/2020, ngân hàng không khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Đến nay, ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không?
Văn bản số 02 của Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng theo quy định Điều 429 của Bộ luật dân sự thì “thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Căn cứ quy định nêu trên thì thời hiệu khởi kiện để Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, theo quy định Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật dân sự 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Do đó, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn ngân hàng có thể khởi kiện ông A đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|