Kết nối kinh doanh doanh nghiệp logistics Việt Nam và Hàn Quốc

(Banker.vn) Chiều 23/5, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Đoàn công tác Hàn Quốc tổ chức hội thảo Kết nối kinh doanh doanh nghiệp logistics Việt Nam và Hàn Quốc.
Bộ Công Thương họp xin ý kiến Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cần có công cụ đo lường cụ thể về ‘logistics xanh’ Cơ hội lớn để doanh nghiệp logistics tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh Ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam còn nhiều cơ hội để vươn xa

Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hong Sung Ki - Giám đốc điều hành Cảng Pyeongteak – thông tin, trong thời gian qua, lãnh đạo cấp cao cũng như các tỉnh/thành phố của Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Hàn Quốc. Trong các chuyến thăm và làm việc này, Chủ tịch tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) đã tiếp đón, trao đổi nhằm thúc đẩy giao thương, thương mại đối tác giữa 2 bên.

Kết nối doanh nghiệp logistics Việt Nam và Hàn Quốc
Kết nối doanh nghiệp logistics Việt Nam và Hàn Quốc

Đến nay, Việt Nam đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc. Do đó, việc tổ chức Hội thảo kết nối kinh doanh của doanh nghiệp logistics Việt Nam và Hàn Quốc, ông Hong Sung Ki kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển logistics giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc xứng tầm với mối quan hệ Đối tác chiến lược của hai nước.

“Tại sự kiện này, chúng tôi sẽ giới thiệu cảng Pyeongteak với các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi mong rằng, sự kiện lần này sẽ không chỉ đóng góp vào sự phát triển doanh nghiệp logistics 2 nước, mà còn giữa tỉnh Gyeonggi với các tỉnh của Việt Nam và lớn hơn nữa đó là sự phát triển mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc”, ông Hong Sung Ki thông tin.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho hay, trong hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là kinh tế, thương mại có sự phát triển nhanh chóng. Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam đóng góp hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Hanwha, Doosan, Posco, SK,... đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương Việt Nam, từng bước giúp cho Việt Nam tham gia sâu hơn và rộng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu... Hàn Quốc cũng là một trong số ít quốc gia tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Việt Nam. Đây là những cơ chế giúp Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát triển vững chắc, hợp tác bền vững.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại sự kiện
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại sự kiện

Cùng với đó, hai nước phấn đấu nhằm sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030, cùng giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa vụ vào thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực dịch vụ logistics, công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng,..., hướng tới tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam, bảo đảm hài hòa hơn nữa lợi ích của hai bên trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi và an toàn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Để có thể phấn đấu đạt được kết quả nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics hai nước đã góp phần chia sẻ cùng các hiệp hội ngành hàng khác tìm ra các giải pháp để tối ưu hóa hoạt động logistics, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; kiến nghị với Chính phủ hai nước những vấn đề mang tính chiến lược, góp phần duy trì và ổn định chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp mỗi nước trong khu vực.

Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam. Tại nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác logistics với Hàn Quốc.

Cụ thể, tăng cường hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN; Đầu tư mở rộng hạ tầng logistics kết nối các cảng biển của Việt Nam với Hàn Quốc; Đẩy mạnh hợp tác đầu tư, khai thác, sử dụng các trung tâm logistics ở hai nước; Phối hợp với Hàn Quốc rà soát, hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi hóa cho hàng hóa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc; Thúc đẩy giao thương, xúc tiến thương mại, nâng cao lưu lượng hàng hóa từ Hàn Quốc vận chuyển qua Việt Nam và ngược lại; Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, liên kết giữa các Hiệp hội logistics của hai nước, hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành logistics.

Mặc dù đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua, ngành logistics của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, chưa xứng tầm với tiềm năng quan hệ phát triển của hai nước.

“Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực logistics để góp phần thúc đẩy nền kinh tế hai nước cùng phát triển, quan hệ hữu nghị giữa hai nước càng bền chặt. Đồng thời, tin tưởng rằng Hội thảo lần này sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, kết nối kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội mới trong tương lai", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, đánh giá hiện trạng, các khó khăn, vướng mắc và cùng tìm ra các giải pháp nhằm hợp tác phát triển dịch vụ logistics thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu của mỗi nước. Thảo luận xu hướng phát triển của ngành, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và cơ hội với ngành dịch vụ logistics của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Phối hợp đưa ra những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, chia sẻ những bài học kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển để các doanh nghiệp khởi nghiệp học tập kinh nghiệm. Đồng thời, tăng cường phối hợp xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp logistics hai nước Việt Nam - Hàn Quốc giao lưu, tiếp cận với đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội thảo, ông Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) – đánh giá, hiện nay mối quan hệ giữa Việt Nam – Hàn Quốc được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện. Các doanh nghiệp Hàn Quốc có mối quan hệ rất chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam. Các phương tiện vận chuyển đang phát triển rất tốt, chất lượng dịch vụ logistics 2 nước được nâng lên, đây là cơ sở cho phát triển thương mại giữa 2 nước.

“Vận tải, kho tàng, logistics phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu được đồng bộ. Tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc ngày càng tăng, việc này được thể hiện qua số liệu vận tải của doanh nghiệp logistics của Việt Nam và Hàn Quốc. Việc kết nối kinh doanh doanh nghiệp logistics Việt Nam và Hàn Quốc sẽ không chỉ giúp mở rộng thị trường hàng hóa 2 nước mà còn giúp đưa hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới”, ông Ngô Khắc Lễ cho biết.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương