Kết nối đưa nông sản, đặc sản Tây Nguyên về TP. Hồ Chí Minh

(Banker.vn) Qua kết nối của Sở Công Thương và các địa phương, sản phẩm nông, đặc sản Tây Nguyên sẽ được phân phối rộng rãi tới người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh ưu tiên hợp tác nhiều lĩnh vực lợi thế với các tỉnh vùng Tây Nguyên Thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk: Đầu mối kết nối giao thương vùng Tây Nguyên

Nhiều sản phẩm mong được kết nối với người tiêu dùng

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, sản xuất nông nghiệp của thành phố chưa đủ cho nhu cầu thị trường. Do đó, thành phố mong muốn kết nối các doanh nghiệp với các tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu thị trường, bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

Trong khi đó, các tỉnh khu vực Tây Nguyên có lợi thế lớn về các sản phẩm nông sản, đặc sản. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều loại trái cây, nông sản chất lượng, nông dân làm ra vất vả nhưng đa số sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên đến mùa thu hoạch lại khó tiêu thụ. Sâm Ngọc Linh, trái bơ… là những sản phẩm như vậy... Từ đó các doanh nghiệp Tây Nguyên có nhu cầu tiếp cận, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác. “Các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung rất có nhu cầu tiếp cận, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác" - ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Kết nối đưa nông sản, đặc sản Tây Nguyên về TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn của các loại nông sản

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum- cho biết, Kon Tum có lợi thế về cà phê, mắc ca, cây ăn quả, dược liệu (nổi bật là sâm Ngọc Linh)... Vì vậy Kon Tum kỳ vọng thành phố sẽ là đầu mối kết nối những doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường để nâng cao giá trị cho các sản phẩm này.

Từ góc độ TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết, thời gian qua dù thành phố và các tỉnh dành tâm sức rất lớn nhưng các doanh nghiệp, HTX cung ứng hàng hóa chưa bám sát vào mục tiêu chính mà còn loay hoay chạy theo mục tiêu nhỏ. “Tại hội nghị kết nối cung cầu hằng năm giữa thành phố và các tỉnh, dù ban tổ chức bố trí khu vực kết nối B2B để các doanh nghiệp, HTX sản xuất gặp gỡ, chào hàng đến các hệ thống phân phối lớn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm mà chỉ tập trung đưa hàng vào bán ở hội chợ”- ông Phương nói.

Chỉ ra nguyên nhân "kết" rất nhiều nhưng vẫn chưa "nối" được, bà Nguyễn Thi Vân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra)- cho biết: Do các doanh nghiệp còn thiếu hồ sơ và lúng túng trong việc làm sao để có bộ hồ sơ chuẩn theo yêu cầu của nhà phân phối.

Kết nối đưa nông sản, đặc sản Tây Nguyên về TP. Hồ Chí Minh
Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức ngày 3/4 nhằm kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh

Nâng cao hiệu quả kết nối

Để nâng cao hiệu quả kết nối, tăng lưu thông hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, năm 2024, chương trình kết nối cung cầu sẽ được triển khai đồng bộ, xuyên suốt cả năm thông qua 3 nhóm nội dung: Kết nối cung cầu trực tuyến; hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh (trực tiếp); kết nối theo mùa vụ, chuyên đề - kế hoạch tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực Tây Nguyên.

Trong đó thành phố và các tỉnh Tây Nguyên sẽ ưu tiên kết nối đối với các doanh nghiệp cung ứng tham gia chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa TP. Hồ Chí Minh vừa triển khai; kết nối các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường thuộc các chuỗi cung ứng tuần hoàn; sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP… đạt chuẩn an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Tuy nhiên, để kết nối hiệu quả, Sở Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp phân phối cần chủ động thông tin lên website kết nối cung cầu trực tuyến các nhu cầu về nguồn hàng, chủng loại hàng hóa để nhà cung cấp tiềm năng tìm hiểu, kết nối.

Theo ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Tây Nguyên đang dần trở thành vùng sản xuất, cung ứng hàng hóa nông sản quan trọng cho TP. Hồ Chí Minh.

Đơn cử, với mặt hàng trái vải, trước đây chủ yếu từ 2 tỉnh phía Bắc là Hải Dương và Bắc Giang. Hai năm trở lại đây, nguồn trái vải từ Đắk Nông, Đắk Lắk đã được đưa về phân phối ở 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức với chất lượng không thua kém vải Bắc Giang, sản lượng dồi dào.

“Rau củ quả, trái cây Tây Nguyên đang chiếm đến 2/3 lượng nông sản thực phẩm về chợ đầu mối Hóc Môn hằng đêm. Trung bình, mỗi ngày chợ Hóc Môn tiếp nhận hơn 2.000 tấn rau củ quả từ các tỉnh, trong đó có khoảng 1.600 - 1.700 tấn rau củ quả từ các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nhất là Lâm Đồng về chợ trên hơn 2.000 tấn/ngày đêm”- ông Phong nói.

Tuy vậy, để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của Tây Nguyên, ông Phong góp ý các tỉnh trong vùng này cần chú trọng mở rộng vùng trồng, làm bao bì, xuất xứ cho sản phẩm để gia tăng nhận diện thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương