Đổi mới phương thức triển khai công tác thông tin đối ngoại Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ truyền thông và thông tin đối ngoại |
Khẳng định được vị thế Việt Nam
Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế quốc tế, những đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Những thành công đó có sự đóng góp quan trọng của mặt trận thông tin đối ngoại.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong thời gian qua, kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế cũng như bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao thông tin, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, mới nhất tháng 9/2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tonga. Việt Nam đã có khuôn khổ hợp tác Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với 18 nước, trong đó có tất cả thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đảm nhiệm thành công Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 và nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025…
Ngoại giao phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, hoàn thành xuất sắc chiến dịch ngoại giao vaccine để đất nước sớm mở cửa, phục hồi và năm 2022 tăng trưởng ngoạn mục hơn 8% và kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục 735 tỷ USD. "Những thành công này được nhân dân trong nước ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao" - Bà Hằng nhấn mạnh và cho rằng, để có được những thành tựu đối ngoại như trên trước hết có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và trực tiếp tham gia của Lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ giữa các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là có đóng góp của tuyên truyền, lan tỏa tích cực, tạo cộng hưởng trong dư luận của công tác thông tin đối ngoại.
Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh: VGP |
Theo đó, về nội dung, công tác thông tin đối ngoại đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, lập trường, tình hình mọi mặt, tiềm năng - thế mạnh của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, nhất là giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, từng bước mở cửa; mặt khác thông tin sâu rộng, kịp thời những nỗ lực và thành quả đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta tới nhân dân trong nước.
Công tác thông tin đối ngoại tích cực đấu tranh, phản bác hiệu quả với những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội, đại đoàn kết, công tác bảo vệ quyền con người của Việt Nam, những thông tin, lập luận, yêu sách phi nghĩa, xâm phạm chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Đồng thời, về phương thức, công tác thông tin đối ngoại không ngừng đổi mới, tích cực theo dõi dư luận quốc tế, nghiên cứu các xu hướng truyền thông, từng bước chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái mạng xã hội, tổ chức hình thức thông tin trực tuyến, số hóa các thủ tục hành chính liên quan tới thông tin đối ngoại, để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương thức tuyên truyền, đưa những thông tin, hình ảnh về Việt Nam đến đông đảo hơn các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế với một “diện mạo” mới phù hợp hơn, hấp dẫn hơn, hợp thị hiếu hơn, bảo đảm thông tin của Đảng và Nhà nước là “dòng chủ lưu” trên mặt trận dư luận.
Bên cạnh đó, về lực lượng, chất lượng lực lượng làm thông tin đối ngoại không ngừng được nâng cao, chú trọng công tác đào tạo. Các lớp tập huấn, cập nhật thông tin và kỹ năng cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại ở Trung ương cũng như địa phương được tổ chức thường xuyên và liên tục được đổi mới.
Nội dung không chỉ về những thông tin, kỹ năng cơ bản, chung chung mà đi vào những vấn đề cụ thể hơn, tiệm cận với xu hướng quốc tế như biện pháp ứng phó với khủng hoảng truyền thông, xây dựng thương hiệu địa phương, quảng bá hình ảnh... Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác thông tin đối ngoại đã nhịp nhàng hơn, nhận thức về thông tin đối ngoại ngày một tốt hơn, hiệu quả truyền thông mạnh mẽ hơn…
Song song với đó, việc hợp tác với phóng viên nước ngoài cũng có nhiều bước tiến quan trọng. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực hơn trong tiếp xúc với học giả, phóng viên, qua đó gây dựng được mạng lưới những phóng viên nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam, những phóng viên Việt kiều hướng về quê hương, đất nước.
Ở trong nước, bà Hằng thông tin, Bộ Ngoại giao luôn tạo điều kiện tác nghiệp thuận lợi tối đa, hoặc chủ động tổ chức nhiều đoàn phóng viên/tùy viên báo chí nước ngoài đi thực tế địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 không có phóng viên từ bên ngoài vào Việt Nam. "Đây đều là những nguồn lực rất quý giá, hỗ trợ hiệu quả Việt Nam trong việc đưa thông tin mọi mặt ra tới cộng đồng quốc tế" - Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại
Trước bối cảnh, môi trường truyền thông trong nước và quốc tế có nhiều biến động đặt ra nhu cầu về việc sửa đổi, bổ sung Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 nhằm kế thừa những kết quả đã đạt được, khắc phục những điểm yếu, khó khăn còn tồn tại, không ngừng đổi mới, nhanh chóng tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, qua đó, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, củng cố được niềm tin của nhân dân trong nước, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong những vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch.
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Bộ Ngoại giao đã tham gia tích cực và chủ động trong quá trình xây dựng Kết luận thông qua tổng kết thực tiễn triển khai công tác thông tin đối ngoại hoặc nghiên cứu kinh nghiệm các nước về ngoại giao công chúng, xây dựng hình ảnh...
Cùng với đó, thông qua các cơ chế như các hội nghị thường kỳ của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, các cuộc giao ban của nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, các báo cáo định kỳ tình hình triển khai công tác thông tin đối ngoại cũng như các văn bản góp ý trong quá trình xây dựng các dự thảo của Kết luận số 57-KL/TW, Bộ Ngoại giao đã tích cực trao đổi, tham vấn, đề xuất nhiều ý kiến để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin đối ngoại nói chung và cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại nói riêng, trên nhiều lĩnh vực như chủ trương, nội dung, phương thức và nguồn lực.
Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/06/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới không phải là một văn bản thay thế cho Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị mà là một sự hoàn thiện, bổ sung những quan điểm, mục tiêu mới, nêu ra những nhiệm vụ và giải pháp mới nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động.
Quán triệt quan điểm của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, coi công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại, gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, không ngừng đổi mới theo phương châm “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao sẽ được triển khai theo một số trọng tâm.
Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc, chủ động triển khai Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị tới từng đơn vị của Bộ Ngoại giao, từng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao nhận thức của cán bộ ngoại giao về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, coi thông tin đối ngoại là một phần của công tác ngoại giao, luôn chủ động, tích cực triển khai và phối hợp triển khai công tác thông tin đối ngoại.
Thứ hai, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, đổi mới cả về nội dung, phương thức, hình thức triển khai công tác thông tin đối ngoại, chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin đối ngoại; có những câu chuyện truyền thông ấn tượng và thuyết phục với mục tiêu đưa thông tin, hình ảnh tích cực về Việt Nam tới được ngày càng nhiều đối tượng ở càng nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Thứ ba, phát huy vai trò là lực lượng tuyến đầu của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác thông tin đối ngoại, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đến năm 2030”. Tích cực tuyên truyền trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự đồng thuận của dư luận người Việt cả trong và ngoài nước.
Thứ tư, tăng cường công tác hợp tác với phóng viên, chuyên gia, học giả quốc tế cũng như kiều bào; xây dựng lực lượng báo chí ở nước ngoài thân thiện với Việt Nam, có thể hỗ trợ hiệu quả trong công tác thông tin đối ngoại cũng như đấu tranh dư luận khi cần thiết.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thông tin đối ngoại với các nước, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động ngoại giao công chúng, ngoại giao kỹ thuật số, tận dụng truyền thông mạng xã hội, các hình thức truyền thông thế hệ mới, để kịp thời nắm bắt những xu thế mới của truyền thông nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Có thể nói, Kết luận 57-KL/TW được Bộ Chính trị ban hành thể hiện sự quan tâm cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới công tác thông tin đối ngoại, phù hợp với tình hình thực tiễn và phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước.
Hà Hương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|