Kênh phân phối Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc

(Banker.vn) Ông Trần Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội đã chia sẻ về những giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Bắc Giang: Tiêu thụ nông sản miền núi trên nền tảng thương mại điện tử Bộ Công Thương: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản miền núi, vùng dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm

Thưa ông, thời gian qua, Co.opmart là doanh nghiệp có nhiều hoạt động trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương, đặc biệt là sản phẩm đặc sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Ông Trần Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội
Ông Trần Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội

Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh Saigon Co.op, là một trong những nhà bán lẻ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Chúng tôi hiện tại đã là khách hàng, là người bạn thân thiết của nhiều thế hệ gia đình người Việt trong suốt hơn 27 năm qua.

Bên cạnh chuỗi siêu thị Co.opmart thì Saigon Co.op còn có nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại khác, chúng tôi tự hào là nhà bán lẻ thuần Việt có nhiều mô hình bán lẻ hiện đại nhất, ngoài Co.opmart chúng tôi còn có Co.op food, Co.opXtra, Co.opsmile... Chúng tôi đang phục vụ khoảng một triệu lượt khách hàng mỗi ngày, với hơn 800 điểm bán hàng trải dài 43/63 tỉnh thành.

Bên cạnh đó thì chúng tôi còn có kênh thương mại điện tử, trang Cooponline.vn giúp phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Với hệ thống phân phối rộng khắp, trong nhiều năm qua, Sài Gòn Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu, hợp tác với các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất nông nghiệp nhằm hỗ trợ, giúp cho các đơn vị này quảng bá được hình ảnh, thương hiệu để góp phần mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, khi hỗ trợ cho các đơn vị này thì cũng là giúp cho Sài Gòn Co.op có thể đa dạng hóa được sản phẩm, mang được những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến phục vụ cho bà con người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho những hợp tác xã, những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là bà con miền núi những đưa ra được những sản phẩm chất lượng vào hệ thống của chúng tôi.

Cùng với đó thì thông qua những chương trình hợp tác phát triển, thúc đẩy kinh tế, đặc biệt như là những chương trình hợp tác phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành, các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu của các tỉnh thành, các tuần lễ hàng nông sản của các địa phương… chúng tôi đã tìm được nhiều nguồn hàng chất lượng ở vùng miền núi đưa vào siêu thị.

Đồng thời, chúng tôi cũng ký kết những hợp đồng, những biên bản ghi nhớ hợp tác với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để có được những sản phẩm tốt để đưa ra thị trường phục vụ cho khách hàng. Đối với những nhà sản xuất, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cũng hỗ trợ bằng nhiều biện pháp, ví dụ như hỗ trợ, hướng dẫn họ hoàn thiện được những hồ sơ, thủ tục, để họ đảm bảo được hồ sơ đưa vào hệ thống.

Kênh phân phối Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc
Coop mart dành những vị trí đẹp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc

Chúng tôi cũng giúp họ ở những vị trí trưng bày đẹp tốt nhất. Ví dụ như đối với hệ thống Co.opmart thì chúng tôi sẽ bố trí những gian hàng đặc sản ba miền, được bày tại những vị trí đẹp, nơi mà lượt khách hàng qua lại nhiều, góp phần giúp họ quảng bá được những sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, PR những sản phẩm này sẽ được ưu tiên ở những vị trí trên cẩm nang mua sắm trên poster, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm hỗ trợ quảng bá, làm thế nào để những sản phẩm tốt nhất đến được với tay những cái người tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm được sản xuất bởi đồng bào dân tộc. Đây cũng là những sách ưu tiên hơn dành cho hàng hoá sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Xin ông chia sẻ thêm về những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm địa phương khi đưa hàng vào tiêu thụ các hệ thống phân phối của siêu thị. Doanh nghiệp đã có những hành động gì để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm đặc thù này ạ?

Co.opmart thì đang gặp phải 2 vấn đề khá là lớn đối với những sản phẩm đặc sản vùng, miền và đặc biệt là những sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc.

Thứ nhất là vấn đề nguồn hàng và sản lượng. Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Tuy nhiên mỗi khi có nhu cầu tăng thêm thì những nhà sản xuất này hàng hoá cơ bản là nhà sản xuất nhỏ lẻ, vì vậy đôi khi lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn. Do đó, chúng tôi luôn mong muốn các nhà sản xuất mình chủ động hơn được trong việc dự báo nhu cầu thị trường để có sản lượng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thứ hai là vấn đề vận chuyển. Đối với những hợp tác xã hoặc là các nhà sản xuất này vùng đồng bào dân tộc miền núi thì quá trình vận chuyển hàng hóa về những điểm giao hàng, những trung tâm, về những điểm bán hàng của hệ thống đang còn khá nhiều khó khăn. Cung đường vận chuyển rất là dài. Các sản phẩm của mình là những sản phẩm nông nghiệp thì cần điều kiện bảo quản tốt.

Ví dụ, đối với những sản phẩm mà có thời gian bảo quản lâu thì có thể ổn. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm như là rau lá, hay là trái cây thì thường chín rất nhanh, khi vận chuyển đến điểm bán thì có nhiều sản phẩm đã bị hỏng hoặc là chất lượng đã không còn tươi ngon như lúc đầu nữa. Vậy nên là chúng tôi cũng rất băn khoăn về 2 vấn đề này và cũng mong công tác logistics, vận chuyển cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa để tránh việc sản phẩm ở khu vực của mình thì sản xuất ra rất là ngon, tuy nhiên mà khi mà đến được tay người tiêu dùng thì không còn được nguyên vẹn chất lượng như ban đầu.

Trong thời gian tới, để sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể được tiêu thụ mạnh mẽ hơn nữa tại hệ thống siêu thị nói chung cũng như là hệ thống của Co.opmart nói riêng thì cần thêm những giải pháp như thế nào từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như là địa phương và người dân, thưa ông?

Đối với cơ quan nhà nước, là nhà bán lẻ am hiểu sâu sắc thị trường thì chúng tôi muốn kiến nghị với Nhà nước ba nội dung.

Thứ nhất là Nhà nước cần phải có một quy hoạch tổng thể cụ thể, ví dụ như vùng này là sản xuất cái gì, trồng cái gì, diện tích là bao nhiêu, sản lượng là bao nhiêu để tránh việc xảy ra những cuộc khủng hoảng thừa, phải đi giải cứu.

Chẳng hạn đồng bào dân tộc khi thấy giá của mặt hàng này bán tốt thì lại chặt những cây khác, tăng cường thêm diện tích các loại cây trồng đang “hot”, dẫn đến năm sau thì sản lượng lại thừa ra, giá rẻ xuống, cả hệ thống lại phải vào cuộc “giải cứu”. Điều đó rất tốn kém và lãng phí nguồn lực.

Thứ hai, chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ công tác logistics, kho bãi vì những sản phẩm nông sản cần điều kiện bảo quản khá cao, mà hợp tác xã của mình vẫn đang còn nhỏ, chưa thể nào đầu tư được cả xe lạnh rồi kho lạnh rồi hệ thống vận chuyển. Vì vậy, nếu được thì Nhà nước cũng sẽ phải hỗ trợ đầu tư các khu vực kho, dựng những điểm bán ở trung tâm, hay tại những thành phố lớn thì phải có kho bãi để các hợp tác xã làm điểm trung chuyển vào đó. Từ đó để đưa hàng về siêu thị đảm bảo chất lượng hơn.

Dưới góc độ nhà bán lẻ, ngoài việc mà hỗ trợ duy trì như lâu nay thì theo tôi nghĩ, các nhà bán lẻ thì cần phải linh động hơn nữa. Đối với Sài Gòn Co.op thì chúng tôi thì có thể tạm ứng cho các nhà sản xuất để họ đảm bảo nguồn vốn yên tâm đầu tư sản xuất, từ đó họ mới có cam kết sản lượng đầu ra cho mình. Hoặc là chính sách thanh toán phải linh động hơn. Đối với bà con của mình mà 1-2 tháng sau thì mới thanh toán thì bà con không có tiền để quay vòng vốn.

Với những mà nhà bán lẻ lớn, nếu được thì có thể sẽ thu mua trực tiếp tại địa phương. Tức là đối với những hệ thống của chúng tôi thì chúng tôi có xe chuyên dụng, có hệ thống kho bãi, có công ty logistics, vận chuyển chuyên nghiệp để sản phẩm đảm bảo được chất lượng tốt nhất giúp cho bà con của mình không phải bận tâm.

Thứ ba, thông thường đối với các hợp tác xã, họ đã có những sản phẩm chất lượng tốt, hàng tốt, giá cũng tốt rồi nhưng công tác truyền thông, PR thì đang còn rất hạn chế. Tại vì nông dân của mình chủ yếu mới biết làm thôi, còn công tác quảng bá để mà khách hàng hoặc là người tiêu dùng hiểu được về sản phẩm này, hiểu được tính chất, tính năng, công dụng thì còn khá là hạn chế. Cho nên các nhà bán lẻ cũng sẽ phải tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông.

Còn về góc độ người dân, người tiêu dùng thì rất mong rằng người dân, người tiêu dùng sẽ là những người tiêu dùng thông minh, hãy mạnh mẽ ủng hộ sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hưởng ứng nhiệt tình Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên hàng dùng hàng Việt Nam. Điều này cũng chính là góp phần đem lại sức khỏe tốt hơn cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là của các đồng bào dân tộc miền núi, từ đó giúp Việt Nam chúng ta hùng cường hơn, phát triển tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan

Theo: Báo Công Thương