Kế hoạch huy động nguồn lực JETP: Tập trung vào 8 nhóm dự án

(Banker.vn) Ngày 27/10, tại Hà Nội, Bộ TN-MT cùng Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) đã tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực JETP.
Lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) Thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng Hợp tác chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh tại Bình Dương

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cùng đại diện Nhóm IPG – ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời của Phái đoàn EU tại Việt Nam và ông Mark George, Tham tán Khí hậu Vương quốc Anh, Đại sứ quán Anh đồng chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện đến từ các đại sứ quán, Nhóm IPG, các định chế tài chính quốc tế thuộc Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ); đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các Bộ, ngành liên quan và khối doanh nghiệp.

Kế hoạch huy động nguồn lực JETP: Tập trung vào 8 nhóm dự án
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cùng đại diện Nhóm IPG – ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời của Phái đoàn EU tại Việt Nam và ông Mark George, Tham tán Khí hậu Vương quốc Anh, Đại sứ quán Anh đồng chủ trì hội thảo (Ảnh: UNDP)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển các-bon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0.

Thông qua JETP, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong số đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; GFANZ huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.

Đồng thời, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng các-bon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện sinh khối, điện gió ngoài khơi…

Kế hoạch huy động nguồn lực JETP: Tập trung vào 8 nhóm dự án
Kế hoạch huy động nguồn lực tổng hợp 5 nhóm dự án đầu tư và 3 nhóm dự án hỗ trợ kỹ thuật (Ảnh: UNDP)

Kế hoạch huy động nguồn lực là bước đầu triển khai thực hiện Tuyên bố JETP sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện. Kế hoạch đề ra danh mục các dự án cụ thể để huy động tài chính từ các đối tác IPG, GFANZ và các đối tác khác.

Trong Dự thảo mới nhất, Kế hoạch huy động nguồn lực tổng hợp 5 nhóm dự án đầu tư và 3 nhóm dự án hỗ trợ kỹ thuật. Danh mục được rà soát từ nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch, kế hoạch, chương trình đã được phê duyệt; nhu cầu xây dựng chính sách của các Bộ, ngành trong thời gian tới để chuyển đổi năng lượng công bằng và đề xuất bổ sung của IPG, GFANZ và các bên có liên quan.

Dự thảo Kế hoạch cũng đề xuất các dự án ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025 gồm các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định nhưng chưa huy động được vốn hoặc chưa được cấp đủ vốn được ưu tiên xem xét cấp vốn để thực hiện.

Trên cơ sở nhu cầu xây dựng chính sách của các Bộ, ngành trong thời gian tới và đề xuất của IPG, GFANZ và các bên có liên quan, Dự thảo đưa ra danh mục các hành động chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng trong giai đoạn giai đoạn 2024-2028, phân loại theo 8 nhóm nhiệm vụ và mức độ ưu tiên cần triển khai từ nay đến năm 2028. Nguồn hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ JETP được sử dụng ưu tiên để xây dựng và thực hiện các hành động chính sách này. Bên cạnh đó là một số nội dung đề xuất ý tưởng triển khai các dự án thực hiện JETP.

Dự thảo nêu rõ các vấn đề về nguồn lực thực hiện, giám sát và đánh giá, phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện cho Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố JETP; các Nhóm Công tác hỗ trợ triển khai thực hiện JETP; Nhóm IPG cùng các Bộ, ngành, địa phương.

Kế hoạch huy động nguồn lực JETP: Tập trung vào 8 nhóm dự án
Các đối tác quốc tế đã tham gia góp ý để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch (Ảnh: UNDP)

Tại Hội thảo, đại diện Nhóm đối tác quốc tế IPG, Nhóm GFANZ, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, Eurocharm đã cùng góp ý để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực.

Theo ông Thomas Wiersing, Đại biên lâm thời Liên minh châu Âu tại Việt Nam, tham vọng lớn đạt phát thải ròng bằng 0 thể hiện tại COP26 cũng như trong Quy hoạch Điện VIII của Chính phủ Việt Nam cho thấy rõ cần phải có các các biện pháp cụ thể cho tất cả các lĩnh vực thuộc ngành năng lượng cũng như của nền kinh tế. JETP sẽ là một công cụ hữu hiệu và Kế hoạch huy động nguồn lực sẽ là bước đầu tiên, vạch ra tham vọng, hướng đi, các cải cách chính sách và các cơ hội giúp thúc đẩy quá trình này.

Đồng quan điểm, ông Mark George, Tham tán Khí hậu Vương quốc Anh, Đại sứ quán Anh cho rằng, kế hoạch huy động nguồn lực là cơ hội để thiết lập một lộ trình hiện thực hóa tham vọng của Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng công bằng, theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội quốc gia, tăng cường an ninh năng lượng và khả năng cạnh tranh.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định, dự thảo mới nhất đã phù hợp hơn với Quy hoạch Điện VIII, NDC và Chiến lược biến đổi khí hậu, giúp Việt Nam tập trung vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đại diện UNDP đề xuất cần kêu gọi chính quyền cấp trung ương và cấp tỉnh lồng ghép các ưu tiên JETP vào các chiến lược, kế hoạch ngành, cấp tỉnh để triển khai hiệu quả trong bối cảnh kế hoạch hàng năm đang thực hiện cho giai đoạn 2024-2025 và kế hoạch đầu tư trung hạn 2026-2030 sắp tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiến hành cải cách chính sách để giúp phê duyệt nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư bổ sung. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng cần xác định nhu cầu và dành kinh phí để thực hiện các đánh giá và hành động cần thiết về các khía cạnh “công bằng”.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Kế hoạch huy động nguồn lực JETP, trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 11 tới.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương