KBSV: Rủi ro áp lực phá giá VND sẽ ở mức thấp

(Banker.vn) Trong báo cáo cập nhật thị trường mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã giảm mạnh trong tháng 8 khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tỷ giá USD/VND mua giao ngay.

Động thái này diễn ra ngay sau khi Mỹ và Việt Nam đạt được một thỏa thuận liên quan tới việc đánh giá Việt Nam thao túng tiền tệ.

Ở diễn biến khác, tỷ giá chợ đen có xu hướng giảm vào cuối tháng 8 nhờ chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã dần thu hẹp khoảng cách. Theo đó, mức chênh lệch đã giảm từ mức gần 9 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 8 xuống còn 7,5 triệu đồng/lượng tại ngày 31/8.

Tỷ giá USD/VND được kỳ vọng đi ngang và biến động trong biên độ hẹp trong giai đoạn tới do nguồn cung USD tiếp tục duy trì ổn định nhờ dòng tiền kiều hối và giải ngân FDI, đủ bù đắp cho các tháng thâm hụt cán cân thương mại. Trong khi đó, chỉ số USD Index (DXY) đã phần nào phản ánh kỳ vọng xu hướng phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

"Chúng tôi cho rằng rủi ro áp lực phá giá VND sẽ ở mức thấp do số việc làm trong tháng 8 của Mỹ đã có sự sụt giảm mạnh đáng kể khi chỉ đạt 235.000 việc làm mới so với dự báo 735.000 việc làm. Điều này có thể khiến FED cân nhắc thêm về thời điểm công bố giảm quy mô gói kích thích kinh tế 120 tỷ USD mua vào hàng tháng, hay đề cập đến việc tăng lãi suất", theo các chuyên gia của KBSV.

Mới đây, Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng đã đưa ra cập nhật về diễn biến tỷ giá USD/VND trong tháng 8.

Theo đó, VND tăng giá tới 1,4% so với cuối năm 2020 và là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực tính đến thời điểm hiện tại.

Trong tháng 8, NHNN đã hạ 225 VND/USD đối với tỷ giá mua vào ngoại tệ, xuống mức 22.750 VND/USD. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu đã được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI giải ngân và kiều hối dồi dào, giúp tỷ giá duy trì mức thấp như hiện nay.

NHNN cũng chuyển phương thức giao dịch của việc mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối từ mua kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay. Điều này được kỳ vọng sẽ cung cấp thanh khoản kịp thời cho hệ thống ngân hàng. Nhìn chung, thanh khoản hệ thống trong tháng 8 duy trì dồi dào nhờ khối lượng lớn hợp đồng mua kỳ hạn USD 6 tháng đáo hạn.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể đã tăng dần khi số liệu không mấy tích cực về cán cân thương mại hàng hóa và giải ngân FDI trong tháng 8. Cụ thể, FDI giải ngân chỉ đạt 1,08 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia cho rằng diễn biến của VND trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát của dịch bệnh và hồi phục sản xuất tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai. Đây là tín hiệu quan trọng để có thể thu hút dòng vốn FDI giải ngân mới.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán