KBSV lạc quan về kết quả kinh doanh của PVD trong năm 2023

(Banker.vn) Theo báo cáo của CTCK KB Việt Nam (KBSV), tính tới Quý 3/2022, PVD có dư nợ vay dài hạn hơn 131 triệu USD với mức lãi suất neo theo lãi suất Libor 3 tháng và 6 tháng. Với những biến động về tỷ giá và áp lực tăng lãi suất, KBSV cho rằng PVD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong năm nay. Tuy nhiên, KBSV kì vọng những gì xấu nhất sẽ phản ánh vào KQKD năm 2022 và triển vọng 2023 sẽ tích cực hơn với hiệu suất cho thuê giàn cao và các giàn mới sẽ được kí các hợp đồng mới với giá cao hơn.

Doanh thu Quý 3/2022 của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) ghi nhận đạt 1.242 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Sự tăng trưởng này đến từ sự phục hồi của mảng kinh doanh cốt lõi là mảng khoan đạt doanh thu 813 tỷ đồng (+84% YoY), bù đắp sự sụt giảm của các mảng dịch vụ kĩ thuật và thương mại.

Tuy nhiên, chi phí tài chính của PVD tăng mạnh 103%, trong đó chi phí lãi vay tăng 65% lên 44,9 tỷ đồng, lỗ tỷ giá gấp 6 lần so với cùng kì, đạt 41,2 tỷ đồng. Những yếu tố này kết hợp đã khiến cho lợi nhuận của PVD tiếp tục ghi nhận kết quả âm quý thứ 3 liên tiếp với con số lỗ 52 tỷ đồng trong khi cùng kì đạt 56 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp Quý 3/2022 của PVD ghi nhận mức hồi phục nhẹ, đạt 9,4%, tăng 1,2 điểm % so với quý trước. Biên lợi nhuận gộp mảng khoan cao hơn, đạt 2,8% trong Quý 3/2022 so với -2,5% của Quý 2/2022.

KBSV cho rằng sự hồi phục của biên lợi nhuận gộp mảng khoan nhờ vào hiệu suất sử dụng giàn của PVD cao hơn trong Quý 3/2022, ước tính đạt 95% so với 88% của Quý 3/2021. Đây là tín hiệu bước đầu cho thấy mảng khoan đã có dấu hiệu phục hồi sau nửa đầu năm gặp những khó khăn nhất định và là tiền đề cải thiện KQKD cho PVD trong những quý tiếp theo.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

Hiệu suất sử dụng giàn khoan của PVD sẽ tăng trong nửa cuối năm 2022 và cả năm 2023

Hiện tại, các giàn khoan của PVD đã được tái khởi động tại các thị trường nước ngoài trong năm 2022 với 3/6 giàn tự nâng của PVD đang thực hiện các chiến dịch khoan tại thị trường quốc tế. Ngoài ra, các giàn khoan trong nước cũng được đảm bảo việc làm cho tới hết năm 2022.

Theo KBSV, PVD đang được hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường khoan dầu khí toàn cầu nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng khi theo IHS Markit, công suất sử dụng giàn Jackup tại Đông Nam Á đã đạt mức 90% vào giai đoạn tháng 7-8/2022. Đây là tín hiệu đánh dấu sự hồi phục trở lại trong khu vực khi lần cuối hiệu suất sử dụng giàn trong khu vực vượt mức 90% là năm 2014 - thời điểm giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng. Bên cạnh đó, các hợp đồng kí mới trong khu vực cũng ghi nhận các tín hiệu tích cực hơn với thời hạn thuê dài hơn (trên 1 năm) với các hợp đồng ngắn hạn từ 6 tháng tới dưới 1 năm như trong 2 năm vừa qua.

KBSV cho rằng, sự hồi phục của thị trường khoan toàn cầu đến từ 2 yếu tố chính. Đầu tiên là cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn tới việc đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và thúc đẩy các nước châu Âu nhanh chóng tìm tới các nguồn cung cấp dầu khí thay thế để tránh phụ thuộc vào dầu Nga, từ đó thúc đẩy nhu cầu thăm dò và khai thác (E&P) của các nước Trung Đông để thay thế cho dầu mỏ Nga. Theo thống kê của IHS Markit, nhu cầu giàn tự nâng của khu vực này dự kiến sẽ tăng từ 125 giàn trong năm nay lên trung bình 169 giàn vào năm 2023 và 183 giàn vào năm 2024, chủ yếu tới từ nhu cầu tăng số lượng giàn của 2 công ty nắm 70% thị phần khoan Trung Đông là Saudi Aramco và ADNOC.

Thứ hai, nguồn cung giàn khoan mới hạn hẹp trong khi tỷ lệ giàn khoan cũ ngày càng nhiều. Theo thống kê của Baker Hughes, tính từ từ thời điểm đỉnh chu kì trước của thị trường khoan dầu là năm 2014 thì số giàn khoan của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn cầu đã suy giảm mạnh và chỉ bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2020 trở đi.

Nguyên nhân chính là bởi chi phí vốn đầu tư cũng như vận hành cho các giàn khoan khai thác dầu thô là tương đối lớn khiến các nhà vận hành giàn khoan cần cắt giảm trong giai đoạn chu kì giá dầu giảm và dịch Covid-19 xảy ra khiến cho nhu cầu đầu tư vào khu vực thượng nguồn giảm mạnh và hồi phục chậm chạp do chưa có nguồn vốn đầu tư đủ lớn. Ngoài ra, tỷ lệ giàn khoan cũ trên thế giới cũng khá lớn, chiếm khoảng 33% tổng số giàn khoan toàn cầu do khối lượng công việc không nhiều và chỉ có nhu cầu phát sinh đầu tư lớn từ khu vực Trung Đông dẫn tới số giàn khoan đóng mới được đưa ra thị trưòng thấp hơn nhiều so với số hợp đồng đặt hàng.

Từ những lý do trên, KBSV cho rằng nguồn cung về giàn khoan khai thác trong thời gian tới sẽ khó tăng lên trong ngắn hạn và vấn đề về thặng dư giàn khoan sẽ được giải quyết nhờ vào nhu cầu khai thác dầu thô tăng trở lại sau Covid-19.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

KBSV dự báo số giàn khoan trung bình của PVD trong năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt đạt 5,93 giàn và 6,35 giàn nhờ vào các yếu tố tích cực từ ngành cũng như sự đóng góp từ giàn TAD sau 6 năm không có việc. Theo đó, hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD cũng sẽ cao hơn, đạt 95% trong năm 2023 so với 90% của năm 2022, theo dự phóng của KBSV.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

Triển vọng giá cước cho thuê giàn tích cực hơn trong giai đoạn tới

Theo KBSV, trong các chu kì của ngành trong quá khứ đều cho thấy KQKD cũng như hiệu suất cổ phiếu trong ngành đều hồi phục nhanh sau khi dầu Brent vượt lên trên mức giá hòa vốn để khai thác là 55 USD/thùng. Do sản xuất dầu khí của Đông Nam Á sẽ bắt đầu có hiệu quả sinh lời khi giá dầu trên 55 USD/thùng, KBSV cho rằng giá dầu Brent cao hơn mức hòa vốn cũng cho thấy cơ hội các dự án đầu tư ở thượng nguồn được chú ý và tái khởi động ở trong khu vực, dẫn tới các nhà thầu thượng nguồn như PVD có thể tham gia cạnh tranh đấu thầu các hợp đồng nước ngoài trong khu vực.

Ngoài ra, KBSV cho rằng việc thu hẹp nguồn cung các giàn khoan mới do vốn đầu tư vào thượng nguồn chưa hồi phục hoàn toàn trong khi nhu cầu đang gia tăng do các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại cũng như việc thay đổi chuỗi cung ứng năng lượng sẽ kéo gần lại hơn chênh lệch cung - cầu giàn khoan. Theo IHS Markit, thặng dư giàn khoan trong giai đoạn 2023- 2024 sẽ giảm nhanh chóng xuống mức thặng dư khoảng 45 giàn trong năm 2023 so với mức trung bình khoảng 95-100 giàn của giai đoạn trước.

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

Từ các yếu tố trên, KBSV kì vọng khu vực Đông Nam Á - thị trường chính của PVD hiện tại sẽ tiếp tục có sự hồi phục trong hoạt động E&P nhờ vào giá dầu ở mức thuận lợi và cao hơn nhiều so với mức giá hoà vốn tại các quốc gia. Dữ liệu từ IHS Markit cho thấy, giá thuê trung bình giàn tự nâng ở khu vực Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ lên mức trên 90.000 USD/ngày, cao hơn nhiều so với giá thuê trung bình của PVD trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ khoảng 59.000 USD/ngày.

Nguyên nhân chính là bởi hầu hết các hợp đồng của PVD giai đoạn trước đều được ký kết trong giai đoạn 2020-2021, thời điểm nhu cầu E&P không cao. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo PVD cho biết công ty đã tiến hành gia hạn các hợp đồng kể từ tháng 8/2022, với mức giá mới không dưới 70.000 USD/ngày và các hợp đồng kí mới trong năm 2023 sẽ có mức giá trung bình trên 75.000 USD/ngày. Do đó, KBSV dự báo giá thuê ngày giàn khoan tự nâng của PVD trong năm 2022 đạt trung bình 63.900 USD/ngày (+13% YoY) và năm 2023 đạt trung bình 75.300 USD/ngày (+18% YoY).

Nguồn: KBSV
Nguồn: KBSV

KQKD năm 2022 sẽ là năm xấu nhất và hồi phục mạnh trong năm 2023

Tính tới Quý 3/2022, PVD có dư nợ vay dài hạn hơn 131 triệu USD với mức lãi suất neo theo lãi suất Libor 3 tháng và 6 tháng. Với mức tỷ giá USD/VND đang có chiều hướng tiếp tục biến động trong giai đoạn cuối năm và trong năm 2023 cũng như lãi suất đang có những diễn biến khó lường khi các Ngân hàng Trung ương các nước đều có động thái tăng lãi suất, KBSV cho rằng đây sẽ là ảnh hưởng xấu cho PVD trong năm nay.

KBSV ước tính chi phí tài chính và LNST của PVD trong năm nay lần lượt là 352 tỷ đồng (+105% YoY) và -184 tỷ VND do ảnh hưởng nặng từ tỷ giá. Tuy nhiên, KBSV kì vọng những gì xấu nhất sẽ phản ánh vào KQKD năm 2022 và triển vọng 2023 sẽ tích cực hơn với hiệu suất cho thuê giàn cao và các giàn mới sẽ được kí các hợp đồng mới với giá cao hơn.

Cho năm 2023, chi phí tài chính của PVD sẽ giảm 25% YoY, xuống 263 tỷ đồng và LNST sẽ đạt 418 tỷ đồng. Theo KBSV, PVD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ KQKD chưa hồi phục hoàn toàn trong Quý 4/2022, tuy nhiên sẽ nhanh chóng hồi phục nhờ vào mức nền thấp của KQKD năm 2022 cũng như triển vọng về hoạt động kinh doanh tích cực hơn trong năm 2023.

Dự phóng kết quả kinh doanh

Năm 2022, KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVD sẽ lần lượt đạt 5.249 tỷ đồng (+ 31% YoY) và -184 tỷ đồng dựa trên các giả định sau:

-Hiệu suất sử dụng giàn tự nâng 2022 đạt 90% và giàn TAD khởi động trở lại từ tháng 1/2022.

- Giá thuê trung bình giàn tự nâng đạt 63,9 nghìn USD/ngày, giàn TAD đạt 90 nghìn USD/ngày.

- PVD trích lập khoảng 46 tỷ đồng cho khoản nợ xấu với Kris Energy.

Năm 2023, KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVD sẽ lần lượt đạt 6.693 tỷ đồng (+28% YoY) và 418 tỷ đồng (cùng kì lỗ 184 tỷ đồng) dựa trên các giả định sau:

- Hiệu suất sử dụng giàn tự nâng đạt 95%, hiệu suất giàn TAD đạt 100%.

- Giá thuê trung bình giàn tự nâng đạt 75,3 nghìn USD/ngày, giàn TAD đạt 90 nghìn USD/ngày.

- PVD trích lập 46 tỷ đồng còn lại phần nợ xấu của Kris Energy.

Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF) và P/B với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp, KBSV đưa ra khuyến nghị MUA cho PVD với mức giá mục tiêu là 19.800 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng mức sinh lời 44,5%.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thế Hưng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán