KBSV: 'Cần sớm có biện pháp để tránh cuộc đổ vỡ đáng tiếc trên thị trường trái phiếu'

(Banker.vn) Rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hiện hữu. KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm có các biện pháp để giúp ổn định thị trường trái phiếu giúp tránh xảy ra cuộc đổ vỡ đáng tiếc trên thị trường
Khát vốn, chủ đầu tư bất động sản tung loạt chiêu 'thoát hàng'

Trong báo cáo "Rủi ro nợ tại Việt Nam" được công bố mới đây, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết trong các rủi ro nợ tại Việt Nam hiện nay, rủi ro lớn nhất là ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng sau sự kiện Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, nguyên nhân chính đến từ việc phát hành bùng nổ thời gian qua nhưng quá trình phát hành, tài sản đảm bảo, phương thức phân phối tồn tại nhiều vấn đề, sai phạm", KBSV đánh giá.

Công ty chứng khoán này nhận định hiện, tâm lí nhà đầu tư rất thận trọng với trái phiếu doanh ngiệp phát hành mới trong khi lượng trái phiếu đáo hạn giai đoạn từ cuối năm 2022 đến 2024 là rất lớn. Rủi ro đặc biêt đối với ngành bất động sản khi phần lớn dư nợ trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản trong khi thị trường bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh lãi suất tăng cao, rủi ro suy giảm kinh tế hay tình hình bắt bớ thời gian qua.

Theo KBSV, rủi ro cao hơn sẽ gia tăng trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp không cơ cấu lại được nợ khi dòng tiền hiện tại chủ yếu đã được sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện đã phải bắt đầu hạ giá bán hay bán lại chính các dự án của mình để đáp ứng như cầu thanh toán nợ (chẳng hạn, nhiều chủ đầu tư liên tục đưa ra các chính sách hấp dẫn hỗ trợ người mua nhà để hút vốn từ họ, có thể kể đến như chiết khấu tới 30% - 50% giá trị sản phẩm - PV).

Xem thêm Khát vốn, chủ đầu tư bất động sản tung loạt chiêu "thoát hàng"

"Các nhà hoạch định chính sách cũng đang lên phương án hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng chưa có giải pháp cụ thể nào được đưa ra và Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm xử lí rủi ro trên", phía KBSV thông tin.

d
Giá trị TPDN đáo hạn giai đoạn 2022 - 2024 theo tháng. Biểu đồ: KBSV

Trong các doanh nghiệp niêm yết, KBSV cho rằng rủi ro cao hơn đến từ nhóm bất động sản và nhóm vật liệu - xây dựng quy mô nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp niêm yết, nhóm bất động sản là nhóm có tổng dư nợ vay tài chính và tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao nhất. Ngoài ra, KBSV cũng nhận thấy rủi ro đối với nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ thuộc nhóm ngành xây dựng và nguyên vật liệu. Các doanh nghiệp này hiện có tỷ lệ nợ vay khá cao trong khi khả năng chi trả thấp, hàng tồn gia tăng và thị trường xây dựng tiếp tục ảm đạm.

Ngược lại, nhóm doanh nghiệp y tế, dược phẩm sử dụng nợ vay thấp và là ngành phòng thủ nên ít gặp rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn, tình hình kinh doanh ổn định, hoạt động kinh doanh ít biến động theo chu kỳ kinh tế còn được hưởng lợi về lãi vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

"Rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hiện hữu. Việc đổ vỡ từ thị trường này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tài chính và nền kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ sớm có các biện pháp để giúp ổn định thị trường trái phiếu giúp tránh xảy ra cuộc đổ vỡ đáng tiếc trên thị trường", KBSV nhấn mạnh.

Với rủi ro nợ nước ngoài, công ty chứng khoán đánh giá chưa quá lo ngại. Hiện tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của Việt Nam vẫn chưa quá quan ngại, ở mức 38% - mức trung bình so với các nước khu vực châu Á. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia chỉ bẳng khoảng 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

"Khác với cuộc khủng hoảng châu Á 1998 bắt đầu từ Thái Lan, khi đó, phần lớn nợ vay nước ngoài của Thái Lan, Hàn Quốc đến từ dòng tiền nóng nhưng lại được đầu tư vào tài sản rủi ro trong khi khả năng chống chịu của nền kinh tế thấp. Trong đó, dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam hiện tại từ nợ ngắn hạn chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại phần lớn là vốn trung và dài hạn. Hơn nữa, nền kinh tế chung của Việt Nam có mức tăng trưởng tích cực, dự trữ ngoại hối dù đã giảm nhưng vẫn trong mức khuyến nghị. Do đó, rủi ro đổ vỡ đối với quy mô toàn nền kinh tế là hạn chế", công ty chứng khoán cho hay.

"Còn rủi ro với nợ công ở trong mức kiểm soát", KBSV đánh giá.

Cụ thể, tỷ lệ nợ công và nợ chính phủ đã giảm dần trong 5 năm qua. Năm 2021, tỷ lệ nợ công/GDP giảm xuống 43% và nợ chính phủ ở mức 142 tỷ USD, tương ứng 39% sau khi thay đổi cách tính GDP. Trong đó, nguồn vay của Chính phủ hiện nay phần lớn đến từ các kênh trong nước, chiếm khoảng 90%. 10% lượng huy động còn lại của Chính phủ là khoản vay nước ngoài (từ các tổ chức như WB, ADB và Nhật Bản) với kỳ hạn khoảng 20 - 30 năm, lãi suất ưu đãi khoảng 1 - 2%/năm.

Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2021 ở mức 21,8%, thấp hơn mức trần 25% của Quốc hội. Bên cạnh đó, CDS của trái phiếu Chính phủ Việt Nam (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng - phản ánh rủi ro vỡ nợ của Chính phủ) dù tăng so với 2021 để phản ánh các lo ngại của nhà đầu tư toàn cầu về triển vọng các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam nhưng vẫn ở mức thấp so với lịch sử. Nhìn chung, chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức cho phép, theo đánh giá của KBSV.

Thảo Nguyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục