Trong hai bài viết có tiêu đề: "Quảng cáo máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT, Karofi có đang lừa dối người tiêu dùng?” và “Thêm sản phẩm của Karofi quảng cáo sai sự thật, dùng logo ‘tự chế’?”, Báo Công Thương đề cập nghi vấn về việc Karofi và đơn vị đối tác (Livotec) đang quảng cáo máy lọc nước với nhiều thông tin sai sự thật.
Tiếp tục đi sâu vào vụ việc, phóng viên còn phát hiện, các chứng nhận do Karofi và Livotec quảng cáo thực chất chỉ là các kết quả thử nghiệm mẫu nước sau lọc từ các thiết bị lọc nước (lõi lọc) mang thương hiệu Karofi và Livotec.
Website của Công ty TNHH Livotec có nội dung hướng dẫn người dùng click vào đường link để xem giấy chứng nhận. Tuy nhiên, thực tế giấy chứng nhận mà công ty này quảng cáo chỉ là các Phiếu kết quả thử nghiệm. |
Cụ thể, trong vai một khách hàng có nhu cầu mua máy lọc nước Karofi, phóng viên đã gọi tới số hotline của Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi. Nhân viên trực hotline ngay lập tức ghi nhận yêu cầu của phóng viên và nói sẽ chuyển điện thoại cho một nhân viên khác của công ty để tư vấn kỹ hơn cho phóng viên.
Chỉ vài phút sau, phóng viên nhận được tin nhắn của một người phụ nữ tên T., tự xưng là nhân viên của Karofi tư vấn cho phóng viên về các loại máy lọc nước. Theo tư vấn của nhân viên này, các máy lọc nước do Karofi phân phối đều được kiểm định chất lượng, nước đầu ra đạt chuẩn nước uống trực tiếp tại vòi.
Khi phóng viên yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt QCVN 6-1:2010/BYT (như thông tin quảng cáo trên website), nhân viên này không gửi cho phóng viên giấy chứng nhận sản phẩm đạt QCVN 6-1:2010/BYT mà gửi một số Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu nước sau khi lọc từ lõi lọc của máy lọc nước Karofi.
Nội dung Phiếu kết quả thử nghiệm cho thấy, người lấy/gửi mẫu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi và Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế). Phiếu thử nghiệm cũng nêu rõ, kết quả chỉ có giá trị trên mẫu đã mang thử nghiệm. Như vậy, có thể thấy, kết quả thử nghiệm mà nhân viên Karofi cung cấp chỉ có giá trị trên chính các mẫu đã đem thử nghiệm chứ không đại diện cho toàn bộ các mẫu nước sau khi lọc qua máy lọc nước Karofi.
Phóng viên có đặt câu hỏi về việc tại sao trên website quảng cáo máy lọc nước đạt chứng nhận theo QCVN 6-1:2010/BYT, nhưng nhân viên lại gửi kết quả thử nghiệm, nhân viên này trả lời: "Tài liệu do bên công ty gửi, vấn đề này em cũng không rõ lắm".
Qua thu thập thông tin, phóng viên cũng nhận thấy, trên website của Công ty TNHH Livotec (livotec.com) có thông tin quảng cáo “Máy lọc nước hiệu suất cao Livotec đạt chuẩn nước tinh khiết đóng chai quốc gia và quốc tế QCVN 6-1:2010/BYT”.
Ngay dưới dòng quảng cáo này, Livotec đã để dòng chữ (gắn kèm link ẩn) với nội dung: “Click để xem giấy chứng nhận có dấu mộc đỏ xác nhận”. Tuy nhiên, khi click vào dòng chữ này, kết quả hiện ra không phải là giấy chứng nhận sản phẩm máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT mà chỉ là Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu sau khi lọc từ thiết bị lọc mang thương hiệu Karofi.
Phiếu kết quả thử nghiệm ghi rõ: "Các kết quả ghi trong phiếu này chỉ có giá trị đối với mẫu thử nghiệm". Việc Karofi và Livotec lấy một số mẫu thử nghiệm để quảng cáo máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT liệu có đúng quy định? |
Như vậy, phía Karofi và Livotec đang có những thông tin có dấu hiệu "mập mờ" giữa “chứng nhận đạt QCVN 6-1:2010/BYT” và “Phiếu kết quả thử nghiệm” một số mẫu nước sau khi lọc qua thiết bị của Karofi.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao phía Karofi và Livotec lại mang kết quả thử nghiệm trên một số mẫu nhất định để quảng cáo sản phẩm đã đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT? Đối với những mẫu nước đã được thử nghiệm chỉ tiêu theo QCVN 6-1:2010/BYT, quy trình lấy mẫu có được tiến hành một cách khách quan và minh bạch hay không? QCVN 6-1:2010/BYT không áp dụng cho đối tượng máy lọc nước, vậy việc quảng cáo máy lọc nước Karofi và Livotec đạt quy chuẩn liệu có đúng quy định?
Theo quy định hiện hành, để đưa một sản phẩm máy lọc nước ra thị trường, ngoài việc đảm bảo các quy định về chất lượng (thử nghiệm an toàn điện, độ bền vật liệu, an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn cơ sở…), doanh nghiệp cần công bố hợp quy máy lọc nước theo QCVN 12-3:2011/BYT Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm bằng kim loại (nếu vỏ máy, thiết bị lọc nước làm bằng kim loại) và QCVN 12-1:2011/BYT (nếu vỏ, thiết bị lọc làm bằng nhựa), theo QCVN 12-2:2011/BYT (nếu vỏ, thiết bị làm bằng cao su).
Không thể phủ nhận, thời gian qua, Karofi cũng đã có nỗ lực đáp ứng các quy định pháp luật để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm máy lọc nước phục vụ nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, đối với thông tin quảng cáo máy lọc nước Karofi và Karofi Livotec đạt QCVN 6-1:2010/BYT, vẫn còn những thông tin chưa rõ ràng, chưa đủ căn cứ khoa học và rất cần sự lên tiếng giải thích từ phía Karofi.
Để có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, cả hai đơn vị đều chưa có phản hồi.
Đối với các vấn đề trên, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý vi phạm (nếu có).
Như Báo Công Thương đã thông tin, quy chuẩn QCVN 6-1:2010/BYT được ban hành để quản lý chất lượng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai, không áp dụng cho đối tượng sản phẩm máy lọc nước. Tuy nhiên, thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm máy lọc nước được quảng cáo đã đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT, trong đó, có sản phẩm máy lọc nước của Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi. Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng nhận sản phẩm cho biết, QCVN 6-1:2010/BYT không áp dụng cho sản phẩm máy lọc nước, do đó, việc quảng cáo sản phẩm máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT là không phù hợp. Cũng theo chuyên gia này, hiện nay, còn có trường hợp doanh nghiệp tự mang mẫu nước sau lọc đi thử nghiệm theo các chỉ tiêu của QCVN 6-1:2010/BYT sau đó tuyên bố đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT. Việc này là sai quy định. |