Kakeibo - phương pháp tiết kiệm chi tiêu an toàn đến từ xứ sở hoa anh đào

(Banker.vn) Quản lý tài chính cá nhân là bài học quan trọng trong hành trình trưởng thành của mỗi người. Một kế hoạch tiết kiệm hợp lý sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc chi tiêu những khoản phát sinh ngoài dự kiến. Một trong những phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả không thể không nhắc tới Kakeibo - phương pháp tiết kiệm chi tiêu an toàn đến từ xứ sở hoa anh đào.

Ngân hàng “đua” hút vốn qua trái phiếu dịp cuối năm

Sẽ có biện pháp xử lý các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất

Phương pháp Kakeibo là gì?

“Kakeibo” tiếng Anh có nghĩa là sổ tay chi tiêu hộ gia đình. Cụm từ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1904 và phương pháp quản lý chi tiêu Kakeibo “nổi lên” nhờ nữ nhà báo người Nhật Bản Hani Motoko.

Hiểu đơn giản, phương pháp Kakeibo giống như một tạp chí tài chính thiết lập ngân sách bằng cách ghi chép trực tiếp các khoản mục vào một cuốn sổ một cách truyền thống thay vì sử dụng các ứng dụng, trang web, excel, phần mềm như hiện tại. Tuy vậy, việc ghi chép truyền thống bằng sổ sẽ giúp bạn nghiền ngẫm, quan sát, lên kế hoạch và kiểm soát và dần thiết lập được thói quen chi tiêu của mình.

Kakeibo - phương pháp tiết kiệm chi tiêu an toàn đến từ xứ sở hoa anh đào

5 bước cơ bản để thực hiện phương pháp Kakeibo hiệu quả:

Bước 1: Chuẩn bị sổ tay và bút ghi: Đơn giản ở bước này bạn chỉ cần chuẩn bị bất kỳ cuốn sổ tay nào và một cây bút là đã sẵn sàng bắt đầu.

Bước 2: Tính toán kỹ lượng các khoản thu, khoản chi: Bước này nghe có vẻ phức tạp nhưng thực chất nhiệm vụ của bạn chỉ là xác định các khoản thu nhập của bản thân: lương chính, tiền người khác nợ bạn, tiền tiết kiệm, các công việc freelance, đầu tư chứng khoán,...Sau đó, lấy thu nhập tổng trừ đi những khoản chi tiêu bạn phải thanh toán hàng tháng: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền học, tiền mạng internet hay tiền điện thoại,..

Bước 3: Đặt ra mục tiêu con số tiết kiệm bạn mong muốn: Ghi ra số tiền cụ thể bạn muốn tiết kiệm vào trang trống phía sau và cất riêng phần tiền này. Cứ như vậy, trong những tuần kế tiếp bạn phải lên kế hoạch chi tiêu sao cho không phải đụng đến phần tiền này.

Bước 4: Phân loại chi tiêu theo những mục cụ thể: Có 4 mục cần thiết bạn cần chi tiêu:

- Chi tiêu cho các khoản thiết yếu: tiền nhà, tiền ăn,...

- Chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu mà bạn có thể chọn lựa: ăn nhà hàng, sở thích cá nhân, mua sắm,..

- Chi tiêu cho những nhu cầu giải trí: ca nhạc, xem phim, mua sắm,...

- Chi tiêu cho những khoản phát sinh: hiếu hỉ, tiệc tùng, sửa chữa xe,...

Bước 5: Đánh giá chi tiêu và đưa ra hướng cải thiện cho tương lai vào cuối tháng. Bước này bạn chỉ cần xem lại ghi chép trong tháng trước và so sánh giữa mong muốn ban đầu với số tiền bạn đã thực sự chi. Có 4 câu hỏi bạn cần giải đáp để đánh giá chính xác nhất:

- Mình đã hoàn thành mục tiêu tiết kiệm tháng này chưa?

- Mình đã tiêu quá nhiều tiền vào những khoản nào?

- Mình có thể tiết kiệm hơn không?

- Mình có thể cải thiện những tháng tới bằng cách nào?

Thực hiện 5 bước trên sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát nhất về thói quen chi tiêu và xây dựng tư duy, kiến thức tài chính trách nhiệm, kỷ luật và hiệu quả hơn.

Vài lưu ý để có cách chi tiêu khoa học hơn với phương pháp Kakeibo

Để có cách chi tiêu khoa học hơn với phương pháp Kakeibo, dưới đây là vài mẹo nhỏ cho bạn:

- Mua sắm theo nhu cầu thay vì mua khi có đợt giảm giá.

- Cân nhắc trong 24 giờ thậm chí là 72 giờ trước khi ra quyết định mua một món đồ.

- Kiểm tra số dư trong ví hoặc tài khoản ngân hàng linh hoạt.

Tiện lợi, dễ sử dụng, đặc biệt là những ai gặp khó khăn trong việc sử dụng những phần mềm tính toán chi tiêu thì phương pháp Kakeibo - học tiết kiệm theo phong cách Nhật Bản là một trong những phương pháp hiệu quả, đơn giản mà hữu hiệu.

Lâm Tuyền

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục