IMF: Nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái ‘ trong gang tấc’ trong năm 2022 và 2023

(Banker.vn) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2022 và 2023 nhưng sẽ “tránh được suy thoái trong gang tấc” khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang thực hiện kế hoạch thắt chặt lãi suất để kiềm chế lạm phát.

IMF cho biết trong một tuyên bố ngày 24/6: “Ưu tiên chính sách bây giờ phải là nhanh chóng làm chậm tốc độ tăng trưởng tiền lương và giá cả mà không dẫn đến suy thoái kinh tế”. "Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, vì những hạn chế về nguồn cung toàn cầu và tình trạng thiếu lao động trong nước có khả năng vẫn tiếp diễn, và cuộc chiến ở Ukraine tạo ra thêm những bất ổn”.

Kế hoạch của Fed trong việc nhanh chóng đưa lãi suất chuẩn lên 3,5% đến 4% “nên thắt chặt trước các điều kiện tài chính để nhanh chóng đưa lạm phát trở lại mục tiêu”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói với các phóng viên sau khi phát hành tuyên bố kết luận tham vấn điều IV, đánh giá của IMF về sự phát triển kinh tế và tài chính của các quốc gia.

Dựa trên đường lối chính sách được vạch ra tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vào tháng 6 và việc giảm thâm hụt tài khóa dự kiến, IMF cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, bà Georgieva nói. Bà cho biết Quỹ vừa kết thúc một loạt các cuộc thảo luận rất hữu ích với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Bà Georgieva cho biết: “Chúng tôi ý thức rằng  con đường tránh suy thoái kinh tế ở Mỹ rất hẹp”. "Chúng tôi cũng phải nhận ra sự không chắc chắn của tình hình hiện tại."

Trong cuộc họp báo ngày 24/6, bà Georgieva cũng cho rằng có những rủi ro  "rất đáng kể" trong năm nay và đặc biệt là vào năm 2023.

Ông Nigel Chalk, Phó giám đốc bộ phận Tây bán cầu của IMF cho biết, nếu cuối cùng mà xảy ra suy thoái thì nó có thể sẽ tương đối ngắn.

Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tuần trước - động thái lớn nhất kể từ năm 1994 - và việc ông Powell báo hiệu rằng một mức tăng khác có cùng cường độ hoặc 50 điểm cơ bản sẽ được đưa ra trong tháng 7 tới.

Người đứng đầu Fed và các đồng nghiệp của ông đã chuyển hướng mạnh mẽ để chống lại lạm phát nóng nhất trong 40 năm trong bối cảnh bị chỉ trích rằng họ đã để chính sách tiền tệ quá dễ dãi trong thời gian quá lâu khi nền kinh tế phục hồi từ Covid-19. Họ đã tăng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm trong năm nay và các quan chức dự báo khoảng 1,75 điểm về mức thắt chặt tích lũy tiếp tục vào năm 2022.

Trong cuộc họp báo, bà Georgieva cho biết IMF nhận thấy sự cần thiết của một chính sách có thể ngăn chặn áp lực tăng giá thêm đối với giá dầu, điều mà bà đã thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen trong tuần này.

Lưu ý rằng áp lực giá cả của Mỹ hiện nay trên diện rộng và vượt xa mức tăng giá năng lượng và thực phẩm, bà Georgieva cho biết bà Yellen và ông Powell “không nghi ngờ gì nữa” sẽ thực hiện cam kết của họ trong việc đưa lạm phát giảm trở lại.

Một gợi ý mà IMF đưa ra để giảm bớt áp lực lạm phát là chính quyền của Tổng thống Biden sẽ thu hồi lại các mức thuế đã áp lên thép, nhôm và một loạt hàng hóa của Trung Quốc trong 5 năm qua. Giám đốc thương mại của Tổng thống Joe Biden, Katherine Tai, trước đây cho biết thuế quan đối với hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm Trung Quốc cung cấp đòn bẩy đáng kể và hữu ích trên quan điểm đàm phán.

IMF đã ủng hộ chương trình nghị sự được gọi là Xây dựng lại-Tốt hơn của chính quyềnTổng thống Biden, cho rằng chương trình sẽ giúp giải phóng các hạn chế từ phía cung, cải thiện mạng lưới an toàn, hỗ trợ sự tham gia của lực lượng lao động và khuyến khích đầu tư và đổi mới.

Bà Georgieva cho rằng việc chương trình không được Quốc hội thông qua “thể hiện một cơ hội bị bỏ lỡ”.

Bà nói: “Chính quyền nên tiếp tục đưa ra các thay đổi đối với chính sách thuế, chi tiêu và nhập cư để giúp tạo việc làm, tăng nguồn cung và hỗ trợ người nghèo”.

(Nguồn: Bloomberg)

Hải Yến

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục