IMF công bố dữ liệu cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế

(Banker.vn) Ngày 29/9/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế tính đến cuối quý II/2023.

Đây là dữ liệu tổng hợp từ 149 báo cáo của các quốc gia thành viên và phi thành viên IMF cùng những thực thể khác có nắm giữ ngoại hối quốc tế. Dự trữ ngoại hối bao gồm ngoại tệ, vàng, tiền gửi ngoại tệ, trái phiếu kho bạc và chứng khoán khác của chính phủ....

imf.jpg

Tính đến cuối Quý II/2023, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt trên 12.055 tỷ USD, tăng nhẹ so với cuối quý trước đó. Tương tự, dự trữ đã phân bổ đạt trên 11.170 tỷ USD, tăng khoảng 20 tỷ USD so với quý trước. Trong số dự trữ ngoại hối đã phân bổ, USD tiếp tục chiếm vị thế áp đảo với giá trị gần 6.577 tỷ USD, nhưng giảm từ tỷ trọng 59,02% trong quý trước đó xuống 58,88%, nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra từ tháng 3 cho đến tháng 5 vừa qua.

Căng thẳng ngân hàng tại Thụy Sỹ cũng làm giảm tỷ trọng SWF trong cơ cấu dự trữ quốc tế từ 0,25% trong quý trước đó xuống 0,18%. Tỷ trọng CNY giảm từ 2,58% trong quý trước xuống 2,45%, nguyên nhân là do kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Trái lại, tỷ trọng EUR tăng từ 19,77% trong quý trước lên 19,97%. Tỷ trọng JPY, GBP, AUD, CAD thay đổi nhẹ so với quý trước. Đáng chú ý, tỷ trọng những ngoại tệ khác tăng từ 3,65% trong quý trước lên 3,97%, phản ánh nỗ lực của một số quốc gia trong việc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất, thậm chí có thể tăng lãi suất cho vay qua đêm lên 7% tại kỳ họp sắp tới.

Động thái thắt chặt tiền tệ tại Mỹ đang buộc nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới phải tăng lãi suất để ngăn ngừa nguy cơ đào thoát nguồn vốn ra nước ngoài, mặc dù thị trường giá cả trong nước vẫn ổn định. Một số ý kiến cho rằng, Mỹ có thể sử dụng sức mạnh áp đảo của USD để chuyển cuộc khủng hoảng tại Mỹ sang phần còn lại của thế giới, USD tăng giá sẽ phá vỡ nền kinh tế thế giới, tăng thêm gánh nặng trả nợ và tình trạng nghèo đói tại nhiều nước đang phát triển.

Là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới, CHLB Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên chuyển sang thực hiện các giao dịch liên quan đến năng lượng bằng đồng nội tệ quốc gia thay vì sử dụng USD, với quyết định “chỉ thanh toán bằng Ruble trong các giao dịch dầu mỏ và khí đốt từ EU.” Cho tới nay, CHLB Nga đã từ bỏ hoàn toàn USD và EUR trong kho dự trữ của NHTW để ủng hộ vàng và CNY. Đây là một thông lệ bình thường, do các NHTW giữ tiền của những quốc gia có hoạt động giao dịch tích cực nhất.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực nâng cao uy tín của CNY trong nền kinh tế quốc tế. Hiện tại, một số quốc gia đã chuyển sang sử dụng CNY trong giao dịch thanh toán với Trung Quốc, nên tỷ lệ dự trữ CNY sẽ tăng tương ứng với cơ cấu tiền tệ trong kim ngạch ngoại thương. Đáng chú ý, sau khi Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với CHLB Nga và đóng băng 300 tỷ USD tài sản dự trữ của quốc gia này, Trung Quốc và một số nước khác đã bày tỏ lo ngại về khả năng có thể rơi vào tình trạng tương tự trong thời gian tới.

Một báo cáo do NHTW Nga công bố vào đầu năm 2023 cho thấy, lần đầu tiên CNY đã vượt qua USD để trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất tại quốc gia này. Theo báo cáo, phần lớn các giao dịch tại CHLB Nga hiện được thực hiện bằng CNY thay vì USD. Hiện tại, USD vẫn là một trong những loại tiền tệ phổ biến nhất và vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng USD giảm tại CHLB Nga có thể gây ra tác động lâu dài đến vị thế của USD trên thế giới.

Thời gian gần đây, CHLB Nga, Trung Quốc, Arập xê út, Ấn Độ và CH Nam Phi đang tích cực tìm kiếm các phương thức thanh toán mới, với lý do cơ bản là họ không muốn sử dụng hệ thống ngân hàng bằng USD.

Ngoài ra, sự thống trị của USD đang đối mặt với thách thức đến từ các công nghệ mới, đặc biệt là vai trò ngày càng tăng của các loại tiền kỹ thuật số của NHTW, hệ thống thanh toán Alipay và WeChat Pay (công cụ hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác), hay hệ thống thanh toán thay thế Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).

Tuy nhiên, các đồng tiền khác chưa thể soán ngôi USD, nhất là trong ngắn hạn. Cho tới nay, kinh tế Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và rất đa dạng, năng động, sáng tạo, linh hoạt. Mặc dù tỷ trọng của kinh tế Mỹ trong GDP toàn cầu đã giảm, nhưng đây là do tỷ lệ của các thị trường mới nổi gia tăng. Trong tổng GPD của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), GDP thực của Mỹ tiếp tục tăng từ tỷ trọng 37% vào năm 2000 lên 43% vào năm 2023.

Theo thống kê do Wikipedia công bố, top 10 quốc gia nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế bao gồm: Trung Quốc với 3.358 tỷ USD (dữ liệu ngày 31/08/2023), giảm 43 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Nhật Bản (1.251 tỷ USD, giảm 2,5 tỷ USD so với dữ liệu trước đó), dữ liệu ngày 31/08/2023; Thụy Sỹ (877 tỷ USD, giảm 18 tỷ USD so với dữ liệu trước đó), dữ liệu ngày 31/08/2023; Ấn Độ (591 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với dữ liệu trước đó), dữ liệu ngày 22/09/2023; CHLB Nga (576 tỷ USD, giảm 0,7 tỷ USD so với dữ liệu trước đó), dữ liệu ngày 22/09/2023; Đài Loan (565 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với dữ liệu trước đó), dữ liệu ngày 31/08/2023; A rập Xê út (427 tỷ USD, tăng nhẹ so với dữ liệu trước đó), dữ liệu tháng 08/2023; Hồng Kông (418 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD so với dữ liệu trước đó), dữ liệu ngày 31/08/2023; Hàn Quốc (418 tỷ USD, giảm 3,5 tỷ USD so với dữ liệu trước đó), dữ liệu tháng 08/2023; Brazil (344 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với dữ liệu trước đó), dữ liệu tháng 08/2023.

Tại bảng thống kê này, dự trữ ngoại hối của Mỹ đạt 240 tỷ USD, đứng thứ 13 trong bảng thống kê, dữ liệu ngày 22/9/2023; dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 92 tỷ USD, nhưng sử dụng dữ liệu tháng 8/2022, do chưa có dữ liệu mới, nên tụt một bậc xuống thứ 29 trong bảng thống kê.

Nguồn tham khảo: IMF, Wikipedia.

Xuân Thanh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục