IMF: Cần giám sát quá trình hình thành kì vọng lạm phát để điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp

(Banker.vn) Ngày 20/10/2023, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức thuyết trình về Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (WEO).
 Ngày 20/10/2023, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức thuyết trình về Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (WEO).

Tham dự buổi thuyết trình có bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp của IMF tại Việt Nam; bà Silvia Albrizio, chuyên gia Vụ Nghiên cứu IMF. Về phía NHNN có ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ; bà Hoàng Thị Phương Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cùng các đại biểu đến từ các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; các đại biểu đến từ Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Lạm phát trên toàn thế giới đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỉ ở nhiều nền kinh tế vào năm 2022, mặc dù đến nay lạm phát chung đã giảm do giá hàng hóa giảm và chuỗi cung ứng được cải thiện, lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Một số nhà kinh tế đã bày tỏ lo ngại về việc lạm phát cao kéo dài trong hai năm qua có thể gây ra kì vọng lạm phát cao và khiến các ngân hàng trung ương (NHTW) gặp khó khăn hơn trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Đây cũng là một trong các chủ đề trọng tâm của Báo cáo WEO 2023 của IMF tại buổi thuyết trình với chủ đề “Quản lý kỳ vọng: Lạm phát và chính sách tiền tệ”.

Phát biểu khai mạc buổi thuyết trình, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết: Ngày 10/10/2023, IMF công bố Báo cáo WEO với chủ đề “Khám phá sự khác biệt toàn cầu” đưa ra đánh giá cập nhật về diễn biến và triển vọng kinh tế toàn cầu. Báo cáo là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với các cơ quan hoạch định và điều hành kinh tế của các nước, với nhiều hàm ý chính sách có ý nghĩa. Báo cáo đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát toàn cầu năm 2023 và năm 2024 lần lượt tăng thêm 0,1 và 0,6 điểm phần trăm, cho thấy thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát còn rất lớn.

Ông Phạm Chí Quang hoan nghênh và cảm ơn IMF đã tổ chức buổi thuyết trình nội dung “Quản lý kỳ vọng: Lạm phát và chính sách tiền tệ” thuộc Chương 2 của Báo cáo; đồng thời, tin tưởng thuyết trình của IMF cung cấp thông tin và kinh nghiệm quý báu cho công tác hoạch định, điều hành chính sách của NHNN nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung trong thời gian tới; đồng thời, là cơ hội để các bộ, ngành thảo luận, đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như cơ hội, thách thức đối với kinh tế Việt Nam, qua đó, hỗ trợ phục vụ công tác điều hành của Chính phủ.

Tại buổi thuyết trình, bà Silvia Albrizio, chuyên gia Vụ Nghiên cứu IMF, thành viên nhóm xây dựng Báo cáo WEO, đã báo cáo tóm tắt diễn biến gần đây về lạm phát và kì vọng lạm phát ở các nền kinh tế, các tác nhân và xu hướng về lạm phát (ngắn và dài hạn), cũng như mức độ neo giữ kì vọng lạm phát. Bằng cách sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp thực nghiệm và mô hình hóa, chuyên gia IMF đã phân tích nguyên nhân và vai trò tác động của kì vọng lạm phát vào tỉ lệ lạm phát gần đây và phân tích quá trình hình thành kì vọng lạm phát có thể ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của các nước và ngược lại.
 

 
Bà Silvia Albrizio, chuyên gia Vụ Nghiên cứu IMF, thành viên nhóm xây dựng Báo cáo WEO (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại buổi thuyết trình

Trong khuôn khổ buổi thuyết trình, chuyên gia IMF cũng cập nhật dự báo của IMF, theo đó, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại từ 3,5% năm 2022 xuống còn 3,0% vào năm 2023 và 2,9% vào năm 2024. So với dự báo hồi tháng 7/2023, IMF đã điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm đối với dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024. Trong khi đó, dự báo lạm phát toàn cầu năm 2023 và năm 2024 được IMF điều chỉnh tăng tương ứng 0,1 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 6,5% và 4,5%.

Theo khuyến nghị của IMF, các nước cần giám sát những thay đổi trong quá trình hình thành kì vọng lạm phát để điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp và thích ứng kịp thời với quá trình này. Đồng thời, việc cải thiện khuôn khổ và hiệu lực điều hành chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa) cần được kết hợp chặt chẽ với định hướng và truyền thông chính sách để góp phần quản lí tốt hơn kì vọng lạm phát.
 

 
Toàn cảnh buổi thuyết trình
Phương Lâm
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng