IMF: Các dự báo ngày càng phù hợp với kịch bản hạ cánh mềm, kéo giảm lạm phát mà không gây suy thoái lớn

(Banker.vn) Nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi. Bất chấp thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn do xung đột địa chính trị cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ chưa từng có để đối phó với lạm phát, hoạt động kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng không đình trệ. Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các nền kinh tế là không đồng đều, với sự phân hóa ngày càng tăng.

Đứng trước cơ hội "hạ cánh mềm"

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố tại hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Marrakech (Morocco), tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ chậm lại từ 3,5% vào năm 2022 xuống còn 3% trong năm nay và 2,9% vào năm tới, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân lịch sử.

Lạm phát toàn phần tiếp tục giảm tốc, từ 9,2% vào năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 5,9% trong năm nay và 4,8% vào năm 2024. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, cũng được dự đoán sẽ giả một cách từ từ còn 4,5% vào năm tới. Tuy vậy, hầu hết các quốc gia không có khả năng đưa lạm phát về mức mục tiêu cho đến năm 2025.

weo-blog-oct-2023-chart-1.jpg
Dự báo tăng trưởng kinh tế có sự khác biệt giữa các quốc gia

Do đó theo IMF, các dự báo ngày càng phù hợp với kịch bản hạ cánh mềm, kéo giảm lạm phát mà không gây suy thoái lớn trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở Mỹ, nơi tỷ lệ thất nghiệp theo dự báo của IMF hiện ở mức khiêm tốn, từ 3,6% lên 3,9% vào năm 2025.

Nhưng những khác biệt quan trọng đang xuất hiện, hoạt động kinh tế ở một số khu vực vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Sự suy giảm này rõ rệt hơn ở các nền kinh tế tiên tiến so với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

egsrg.jpg
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất của IMF

Trong số các nền kinh tế tiên tiến, triển vọng tăng trưởng của Mỹ đã được điều chỉnh tăng, với tiêu dùng và đầu tư ổn định, trong khi triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng euro bị điều chỉnh giảm. Nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi tỏ ra kiên cường một cách bất ngờ, ngoại trừ Trung Quốc, quốc gia đang phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng từ cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin suy yếu.

Sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ gần như đã hoàn tất và nhu cầu mạnh mẽ đối với các nền kinh tế định hướng dịch vụ hiện đã bớt căng thẳng hơn.

Trong khi đó, các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đang đè nặng lên thị trường nhà ở, hoạt động đầu tư và hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ thế chấp theo lãi suất điều chỉnh cao hơn hoặc nơi các hộ gia đình ít sẵn sàng hoặc ít có khả năng chi tiêu tiền tiết kiệm. Tình trạng doanh nghiệp phá sản cũng đang gia tăng ở một số nền kinh tế.

Các quốc gia hiện đang ở những thời điểm khác nhau trong chu kỳ tăng lãi suất. Các nền kinh tế tiên tiến (trừ Nhật Bản) đang gần đạt đỉnh, trong khi một số nền kinh tế thị trường mới nổi bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn, chẳng hạn như Brazil và Chile, đã bắt đầu nới lỏng.

weo-blog-oct-2023-chart-2.jpg
Nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ có cú "hạ cánh mềm"

IMF cho biết, lạm phát và hoạt động kinh tế được định hình sau “cú sốc” giá hàng hóa năm ngoái. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga đã phải chịu sự tác động của việc giá năng lượng tăng mạnh, gây ra suy thoái rõ rệt hơn. Tác động từ giá năng lượng tăng cao đóng vai trò lớn trong việc khiến lạm phát cơ bản ở khu vực đồng euro tăng nóng - không giống như tại Mỹ, nơi áp lực lạm phát cơ bản phản ánh qua thị trường lao động thắt chặt.

Bất chấp những dấu hiệu suy yếu, thị trường lao động ở các nền kinh tế tiên tiến vẫn vững vàng với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục giúp hỗ trợ các hoạt động. Tiền lương thực tế đang bắt kịp giá cả nhưng có rất ít bằng chứng về vòng xoáy tiền lương - giá cả.

Đo lường rủi ro

Trong khi một số rủi ro cực đoan, chẳng hạn như khủng hoảng ngân hàng lan rộng, đã giảm bớt kể từ tháng 4, thì cán cân vẫn nghiêng về phía biến động tiêu cực.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc có thể tiếp tục lan rộng, đặt ra những thách thức phức tạp đối với chính sách. Việc khôi phục niềm tin đòi hỏi phải kịp thời tái cấu trúc các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn, duy trì sự ổn định tài chính và giải quyết những căng thẳng trong tài chính công địa phương.

weo-blog-oct-2023-chart-3.jpg
Niềm tin người tiêu dùng và đầu tư vào Trung Quốc giảm sút là yếu tố rủi ro đối với kinh tế toàn cầu

IMF cho rằng, nếu giá bất động sản ở Trung Quốc giảm quá nhanh, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sẽ trở nên tồi tệ hơn, có nguy cơ khuếch đại tài chính nghiêm trọng. Việc hỗ trợ giá bất động sản một cách gượng gạo có thể tạm thời bảo vệ bảng cân đối kế toán, nhưng điều này sẽ lấn át các cơ hội đầu tư khác, giảm lượng xây dựng mới và làm tổn hại đến nguồn thu của chính quyền địa phương do giảm doanh số bán đất.

"Dù bằng cách nào, nền kinh tế Trung Quốc phải tránh xa sự tăng trưởng dựa vào tín dụng bất động sản", IMF lưu ý.

Trong khi đó, giá hàng hóa có thể trở nên biến động hơn trong bối cảnh các cú sốc về khí hậu và địa chính trị, nguy cơ giảm phát nghiêm trọng. Từ tháng 6 đến cuối tháng 9, giá dầu đã tăng khoảng 25% trong bối cảnh cắt giảm nguồn cung kéo dài của OPEC+ trước khi giảm trở lại khoảng 11% cho đến nay. Giá lương thực vẫn tăng cao và có thể bị gián đoạn hơn nữa do xung đột leo thang ở Ukraine, gây khó khăn lớn hơn cho nhiều quốc gia có thu nhập thấp. Sự phân tán về địa kinh tế cũng dẫn đến sự phân tán giá cả hàng hóa giữa các khu vực tăng mạnh, trong đó có các loại khoáng sản quan trọng.

Mặt khác, mặc dù cả lạm phát cơ bản và lạm phát toàn phần đều giảm nhưng vẫn đang ở mức cao.

Ngoài ra, vùng đệm tài chính đã bị mài mòn ở nhiều quốc gia, với mức nợ tăng cao, chi phí huy động vốn tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự mất cân đối ngày càng tăng giữa yêu cầu đối với chính phủ và các nguồn lực tài chính sẵn có. Điều này khiến nhiều quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước khủng hoảng và đòi hỏi phải hình thành sự tập trung mới vào việc quản lý rủi ro tài chính.

Khuyến nghị chính sách

Theo kịch bản cơ sở của IMF, lạm phát sẽ tiếp tục giảm khi các ngân hàng trung ương duy trì lập trường chính sách thắt chặt và tránh nới lỏng sớm. Một khi quá trình giảm phát được thiết lập vững chắc, với kỳ vọng lạm phát trong ngắn hạn và mục tiêu lạm phát giảm dần, việc cắt giảm dần lãi suất chính sách sẽ là phù hợp, đồng thời duy trì cam kết ổn định giá cả.

IMF cho rằng, chính sách tài khóa cần xây dựng lại các vùng đệm, bao gồm cả việc loại bỏ trợ cấp năng lượng, trong khi vẫn bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương. Điều này cũng sẽ hỗ trợ giảm phát.

Sự gia tăng đáng kể thâm hụt tài chính ở Mỹ là điều đáng lo ngại nhất, do chính sách tài khóa không nên thuận chu kỳ, đặc biệt là ở giai đoạn hiện tại của chu kỳ lạm phát.

"Chúng ta cũng nên quay trở lại tập trung vào triển vọng trung hạn đang mờ nhạt đi. Triển vọng tăng trưởng toàn cầu còn yếu, đặc biệt đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển", IMF lưu ý.

Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, lãi suất cao hơn và dư địa tài khóa giảm sút, thay đổi cơ cấu trở thành vấn đề then chốt. Mức tăng trưởng cao hơn trong dài hạn có thể đạt được bằng một trình tự cải cách thận trọng, bắt đầu từ những cải cách tập trung vào quản trị, quy định kinh doanh và đối ngoại. Những cải cách bước đầu này giúp thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các cải cách tiếp theo – dù là về thị trường tín dụng hay chuyển đổi xanh – hiệu quả hơn nhiều.

Hợp tác đa phương có thể giúp đảm bảo các nước đạt được kết quả tăng trưởng tốt hơn. Các quốc gia nên tránh thực hiện các chính sách trái với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bóp méo thương mại quốc tế. Và các quốc gia nên bảo vệ dòng chảy của các khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi khí hậu và các mặt hàng nông sản. Những “hành lang xanh” như vậy sẽ giúp giảm bớt sự biến động và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Cuối cùng, IMF khuyến nghị tất cả các quốc gia nên ngăn chặn sự phân mảnh về mặt địa kinh tế vốn cản trở tiến trình hướng tới sự thịnh vượng chung. Thay vào đó, nên nỗ lực khôi phục niềm tin vào các khuôn khổ đa phương dựa trên quy tắc nhằm nâng cao tính minh bạch và sự chắc chắn về chính sách.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục