ILO hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam giải quyết nhu cầu kỹ năng trong tương lai

(Banker.vn) Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa ký thỏa thuận với Chính phủ Hà Lan thực hiện một dự án mới hỗ trợ Việt Nam dự báo và giải quyết nhu cầu kỹ năng trong tương lai của ngành dệt may.

Dệt may là ngành then chốt, đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Ngành này sử dụng khoảng 2,7 triệu lao động, trong đó phần đông là nữ. Ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2021 đạt 39 tỷ USD, tương đương với năm 2019.

Tuy nhiên, khủng hoảng của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành này. Ngoài việc các nhà máy bị đóng cửa và mất sinh kế, thì còn làm thay đổi sâu sắc tới sản xuất, việc làm trong ngành dệt may. Các nhân tố này bao gồm tự động hóa và số hóa, cũng như mô hình sản xuất xanh hơn, sạch hơn để giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ dự án mới kéo dài 2 năm kể từ tháng 1/2022, ILO sẽ hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam để tìm hiểu những kỹ năng mà ngành, người lao động trong ngành cần có hiện nay, cũng như trong tương lai.

Dự án sẽ chú trọng tới nhóm lao động có nguy cơ mất việc làm cao nhất do khủng hoảng Covid-19 và do việc tăng cường tự động hóa, số hóa trong ngành. Đây là một bước đi quan trọng hướng tới xây dựng ngành công nghiệp có sức chống chịu tốt hơn, bao trùm, bền vững hơn, mang lại các cơ hội việc làm thỏa đáng cho nhiều phụ nữ và nam giới hơn nữa.

Phát triển kỹ năng và học tập suốt đời đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết tác động của Covid-19, xây dựng khả năng chống chịu cho người lao động, doanh nghiệp, và định hình một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người,” ông Nilim Baruah, Đại diện lâm thời của ILO Việt Nam, cho biết. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh: “Đầu tư kịp thời vào phát triển kỹ năng có thể giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, giúp quá trình quay trở lại làm việc an toàn, giảm nhẹ những tác động về lâu dài tới sự nghiệp của người lao động do thất nghiệp, kỹ năng không phù hợp, và để tận dụng cơ hội có thể biến mất theo thời gian. Các lĩnh vực cần đầu tư bao gồm kỹ năng chuyên môn cụ thể mà ngành công nghiệp cần để tăng trưởng, kỹ năng chuyên môn mới xuất phát từ những thay đổi về công nghệ và thay đổi khác trong công việc, sản xuất, kỹ năng tìm việc cốt lõi.”

Theo Đại sứ Vương quốc Hà Lan, bà Elsbeth Akkerman, những mô hình kinh doanh bền vững, bao gồm việc phát triển kỹ năng và khả năng tìm việc, góp phần giải quyết các thách thức hiện tại và trong tương lai của ngành. “Tôi tự hào, với dự án này, chúng ta đang tiến thêm một bước để có được ngành dệt may bền vững và có sức chống chịu trong tương lai”, bà Elsbeth Akkerman nói.

Dự án mới này được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố Thế kỷ của ILO về Tương lai việc làm (2019), Lời kêu gọi hành động toàn cầu vì một công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm (2021), nghị quyết mới đây của Hội nghị Lao động quốc tế về kỹ năng và học tập suốt đời. Dự án sẽ áp dụng những bài học kinh nghiệm từ các dự án tương tự dự báo kỹ năng cần có trong ngành dệt may được thực hiện trong ngành dệt may tại Brazil, Ethiopia, Jordan, Peru và kế thừa thành tựu mà các chương trình phát triển kỹ năng ILO đã thực hiện trước đây tại Việt Nam.

Dự án sẽ phối hợp chặt chẽ với chương trình Việc làm Tốt hơn (Better Work) của IFC-ILO và những phát hiện, kết quả đạt được tại Việt Nam sẽ được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác của ILO thông qua việc thiết lập một nền tảng tri thức khu vực về nhu cầu kỹ năng tương lai trong ngành dệt may tại châu Á và Thái Bình Dương.

Thanh Tâm

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục