Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ở xứ Thanh

(Banker.vn) Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên, tỉnh Thanh Hóa không chỉ là nơi Bà Triệu dấy binh chống ách đô hộ phương Bắc, nơi đây còn có huyệt đạo linh thiêng
Thanh Hóa: Đầu tư 256 tỷ đồng xây hạ tầng kỹ thuật và tượng đài Bà Triệu Lễ "mở cổng trời" ở Khu Di tích Am Tiên có gì đặc biệt? Lễ hội Đền Bà Triệu và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tích xưa lưu truyền

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược. Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ở xứ Thanh
Ngay những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên đã thu hút rất đông du khách.

Sách Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép một cách chi tiết về núi Nưa: “Na San (núi đuổi ma) ở sở Tinh Mễ, xã Quần Ngọc phía Tây của huyện Nông Cống. Mạch núi vốn được bắt nguồn từ huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân) đổ lại, từng dãy liền tiếp, dài suốt mười mấy dặm. Tương truyền núi có nhiều ma quỷ nhưng rồi một vị sơn lăng đến đây đọc chú, dần dần quỷ biến mất đi nên có tên gọi như thế.

Trên ngọn cao chót vót của dãy núi có một ngôi chùa cổ, tục gọi là Am Tiên. Phía tả có cái động, tối mà sâu, dài mà hiểm. Có hôm Hồ Hán Thương đi săn thì bắt gặp người tiều phu vừa đi vừa hát bài ca cổ. Ông cho rằng: Đây là người hiền tài mà phải ở ẩn, liền sai thị thần theo hút vào trong động. Thị thần đem lời ngọt mời ra nhưng người tiều phu không chịu nên đành ra về.

Lần kế tiếp, Hán Thương toan dùng an xa (kiệu nhiều người khênh) để ép người đó về với mình. Song khi tới nơi thì cửa động đã rêu phong, gai góc đầy núi, đường về khi trước lấp mất không còn. Hán Thương tức giận vô cùng, lập tức sai lính đốt núi thì thấy có con hạc đen bay vù lên khoảng lưng chừng trời, xênh xang lượn múa. Sử sách xưa dù ghi chép dài ngắn khác nhau nhưng tất cả đều chứa hàm nghĩa về việc có một ẩn sĩ thời Trần - Hồ đã từng giấu mình nơi rừng sâu, núi thẳm để tu tiên đắc đạo.

Chuyện xưa còn được lưu truyền cho tới tận ngày hôm nay. Người đồng hành tiếp tục dẫn chúng tôi vào giới thiệu về khu di tích, bái vọng người thiên cổ. Hệ thống đền chùa ở đây không lớn như tôi tưởng nhưng sạch sẽ và thanh tịnh. Dọc lối đi trong khuôn viên khu di tích mang đậm giá trị văn hóa tâm linh là những tán đa, bồ đề được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân nhân khắp cả nước trồng xanh tốt.

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ở xứ Thanh
Hàng nghìn du khách thập phương về đền Am Tiên dâng hương, du xuân những ngày đầu năm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Bật Sơn, thủ từ đền Am Tiên - người đã sống trên núi cùng cha từ nhỏ cho biết: Trên đỉnh Ngàn Nưa, ngoài Am Tiên là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật… còn có nhiều địa điểm kỳ bí như bàn cờ Tiên. Tương truyền, đây là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc, cho đến bây giờ dấu tích bàn cờ tiên vẫn đang còn. Hay chuyện giếng Tiên không bao giờ cạn dù nhiều năm quanh vùng khô cạn nhưng giếng vẫn đầy nước và trong xanh, ai tới giếng cầu xin nước về uống sẽ gặp được nhiều may mắn. Rồi chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên, Huyệt đạo… vì thế mà đến ngày nay, dưới đỉnh Am Tiên vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện thần tiên, như các tiên ông xuống chợ, chuyện về những cây cổ thụ ngàn năm tuổi dùng để cột voi…

Huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam

Theo sử sách, nước ta có 3 huyệt đạo thiêng gồm núi Đá Chông, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, núi Bà Đen, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh và Ngàn Nưa. Huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước ta. Tương truyền, thời nhà Đường có tướng Cao Biền được cử sang cai trị nước ta, thấy nơi đây có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, nên muốn phá đi. Cao Biền thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả lập đàn cúng tế lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Khi bay đến Ngàn Nưa, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng thất bại.

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ở xứ Thanh
Huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước ta.

Huyệt đạo nằm ở đỉnh cao nhất của dãy Ngàn Nưa, người xưa cho rằng đỉnh núi là nơi cao gần trời, là nơi hội tụ, giao hòa giữa trời và đất. Theo quan niệm của cư dân nông nghiệp, đây là nơi tụ phúc cho con người gắn với ước vọng quốc thái dân an. Đây là một gò đất khá bằng phẳng rộng chừng vài chục mét vuông.

Ông Lê Bật Sơn, thủ từ đền Am Tiên cho hay: Khu đất này là huyệt đạo mà Cao Biền đã cố tìm cách triệt long mạch nhưng bất thành. Đây chính là nơi giao hòa giữa đất và trời, nên ta có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ. Ngày mồng 9 âm lịch tháng Giêng hàng năm chính là ngày "mở cửa trời", nên cho dù ngày đó trời có mưa gió, bão bùng thì có một thời khắc nhất định Ngàn Nưa sẽ quang đãng, hanh thông, đất trời như rộng mở. Hay mỗi lần đất nước có sự đổi thay nào đó, đêm đến người dân quanh vùng lại thấy có một vệt sáng trên đỉnh núi.

Lễ "mở cửa trời" vào ngày 9 tháng Giêng

Theo chủ trì Đền Am Tiên Lê Bật Sơn, điểm huyệt thiêng là Thiên - Địa - Nhân - hợp - nhất, 4 hướng đều có 4 bát hương và ở giữa một bát hương của thổ thần ứng với kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Huyệt đạo trên đỉnh núi này là huyệt khí thiêng! Ngày 9 tháng Giêng hàng năm là ngày "mở cửa trời". Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người khỏe mạnh, tài năng tiến tới, công thành danh toại. Năm 2009, quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên đã được nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ở xứ Thanh
Đường lên huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa.

Để thúc đẩy du lịch phát triển, huyện Triệu Sơn đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Triệu Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Hiện đề án này đang trong quá trình xin ý kiến các ban, ngành cấp tỉnh. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng, địa phương chủ động cùng với các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là việc quy hoạch tu bổ và phát huy giá trị di tích lịch sử danh thắng địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, gồm: Núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Được biết, hiện Công ty cổ phần Mặt trời Thanh Hóa đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí để điều chỉnh quy hoạch tổng thể núi Nưa - Am Tiên.

Đền Am Tiên mới được quan tâm trùng tu và tôn tạo khoảng vài năm trở lại đây, trước đó đền chỉ là một cái am nhỏ. Danh tiếng Ngàn Nưa không chỉ lưu truyền gần 2.000 năm qua mà đang ngày càng vang vọng. Nhiều chuyên gia về du lịch, văn hóa cho rằng, khắp xứ Thanh không có nơi nào thỏa mãn tâm linh được như Ngàn Nưa, nếu có một tập đoàn kinh tế giàu tiềm lực đến và đầu tư ở đây, các công trình văn hóa, du lịch, tâm linh của khu di tích này có thể phát triển đúng tiềm năng, vươn tầm quốc tế.

Hoàng Minh

Theo: Báo Công Thương