Hủy tư cách công ty đại chúng của Bao bì nhựa Sài Gòn (SPP)

(Banker.vn) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty CP Bao bì nhựa Sài Gòn (UPCoM: SPP).
Hủy đăng ký công ty đại chúng của Bao bì nhựa Sài Gòn
Hủy đăng ký công ty đại chúng của Bao bì nhựa Sài Gòn.

Công ty CP Bao bì nhựa Sài Gòn có tiền thân là Công ty TNHH Bao bì nhựa Sài Gòn, được Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cấp mã số thuế 0302272627 cấp ngày 6/4/2001 do bà Trương Ngọc Khanh là người đại diện pháp luật.

Giữa năm năm 2007, công ty đã chuyển đổi hình thức từ công ty TNHH thành công ty cổ phần với 2 cổ đông chiến lược là Vietnam Holiding và Chứng khoán BIDV. Lĩnh vực hoạt động chính sản xuất bao bì màng ghép phức hợp, bao bì nhựa, bao bì giấy cao cấp và bao bì kim loại; kinh doanh nguyên liệu bao bì nhựa, bao bì giấy, kim loại và thiết bị máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành in, ngành sản xuất bao bì...

Cuỗi năm 2008, Bao bì nhựa Sài Gòn chính thức đưa cổ phiếu SPP niêm yết trên sàn HNX với giá tham chiếu 40.000 đồng/cp, và đạt đỉnh 54.900 đồng/cp ở phiên giao dịch ngày 29/9/2008.

Sau khi niêm yết, SPP liên tục có các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2009-2018, công ty có tới 56 đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ tăng từ 35 tỷ đồng lên 251,2 tỷ đồng.

Việc tăng vốn quá nhanh, cộng với tham vọng giành thị phần đã đẩy công ty vào tình thế nguy hiểm. Năm 2014, suy thoái kinh tế kéo dài tác động đáng kể lên ngành bao bì, trong đó ảnh hưởng lớn lên nguyên liệu đầu vào, khiến biên lợi nhuận của Bao bì nhựa Sài Gòn bị thu hẹp.

Đáng chú ý, sau thời gian chiếm vị thế độc tôn, công ty bắt đầu chịu áp lực từ các đối thủ trên thị trường với công nghệ mới và dòng sản phẩm mới, khiến công ty mất dần vị thế cạnh tranh. Đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp liên tục huy động vốn để đầu tư công nghệ và mở rộng sản xuất.

Năm 2019, SPP thông qua phương án phát hành 169 tỷ đồng nhằm đầu tư vốn đối ứng cho dự án đầu tư nhà máy Saplastic Long An, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.141 tỷ đồng. Việc mở rộng đầu tư mới khiến áp lực chi phí ban đầu tăng cao, cùng với khó khăn hiện hữu về dòng vốn lưu động và biến động giá nguyên liệu đầu vào, đã khiến thanh khoản SPP đối mặt nguy cơ mất cân đối trầm trọng.

Cũng trong 2019, SPP bất ngờ báo lỗ gần 720 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, dư nợ vay quá hạn của SPP hơn 707,6 tỷ đồng. Trong đó khoản dư nợ lớn nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với hơn 396 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 11/2019, TAND TP. HCM quyết định mở thủ tục phá sản đối với SPP. Tiếp đó, cuối tháng 4/202, HNX công bố quyết định hủy niêm yết toàn bộ 25,12 triệu cổ phiếu SPP từ ngày 22/5. Lý do hủy niêm yết do SPP có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2019, thuộc diện bị hủy niêm yết theo quy định.

Sau khi bị hủy niêm yết trên HNX, cổ phiếu SPP chuyển xuống giao dịch trên UPCoM vào ngày 29/5/2020 với mức giá tham chiếu là 400 đồng/cp. Hiện, cổ phiếu SPP đang có giá 500 đồng/cp.

Không chỉ Bao bì nhựa Sài Gòn, những ngày vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng có thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng với Công ty CP Xây dựng Giao thông Thừa Thiên Huế (mã: GTH) và Công ty Licogi 16.2.

Trước đó, hồi tháng 1/2023, UBCKNN đã thông báo hủy tư cách công ty đại chúng của Công ty CP Thế giới số Trần Anh (mã: TAG) kể từ ngày 26/10/2022. Công ty đang tiếp tục thực hiện các thủ tục ngừng giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM và hủy lưu ký chứng khoán tại VSD.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục