Huy động tiền gửi không kỳ hạn bước vào chặng đua mới?

(Banker.vn) Cùng với xu hướng tăng chung của lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ khó có được giá vốn rẻ như trước kia bởi ngay cả lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cũng tăng. Lợi thế từ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA)cao giảm dần nhưng cuộc đua này không giảm nhiệt mà sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Lộ diện 3 ngân hàng “về đích” sớm, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng

CASA nhiều ngân hàng giảm mạnh

Theo tìm hiểu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao, tỷ lệ CASA (vốn đóng vai trò quan trọng), trong báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của các nhà băng cho thấy diễn biến không mấy khả quan.

Khảo sát tại 27 ngân hàng đã công bố Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, có tới 18 ngân hàng, tương đương tỷ lệ gần 67% ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong 9 tháng đầu. Tỷ lệ CASA bình quân của nhóm theo đó đã giảm khá mạnh, xuống còn 16,7%, từ mức 18% hồi đầu năm nay.

Cạnh tranh CASA ngày càng khốc liệt (Ảnh minh họa)
Cạnh tranh CASA ngày càng khốc liệt. Ảnh minh họa

Tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank), tỷ lệ CASA giảm từ 15,5% hồi đầu năm xuống còn 9,2% kết thúc quý III/2022, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất.

Ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), dù tiền gửi khách hàng tăng mạnh 16,6% trong 9 tháng qua nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại giảm 13,1% khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm khá mạnh xuống còn 17,3%, từ mức 23,3% hồi đầu năm.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh gồm: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giảm 3,8 điểm %; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) giảm 3,5 điểm %; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) giảm 3,1 điểm%; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm 3 điểm %,…

Đáng chú ý, việc tỷ lệ CASA sụt giảm mạnh không chỉ diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, mà những nhà băng đứng đầu hệ thống trong việc thu hút nguồn vốn rẻ cũng ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong 9 tháng qua.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank), dù lượng tiền gửi khách hàng vẫn nhích nhẹ 1,3% trong 3 quý đầu năm nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn đã giảm 6,7%, khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng dù vẫn dẫn đầu hệ thống nhưng đã giảm khá mạnh so với đầu năm, xuống còn 46,5%.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), lượng tiền gửi khách hàng đến cuối tháng 9/2022 đã giảm 2% so với đầu năm trong khi lượng tiền gửi không kỳ hạn cũng đã giảm hơn 16 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,5%. Tỷ lệ CASA của ngân hàng MB theo đó cũng giảm 3,4 điểm %, xuống còn 41,6%.

Trong 27 ngân hàng khảo sát này, có tới 14 ngân hàng (tương đương 51,9%) sở hữu tỷ lệ CASA ở mức dưới 15%. Trong đó, VietBank là ngân hàng có tỷ lệ CASA ở mức thấp nhất khi chỉ 4,9% tổng số tiền gửi khách hàng là tiền gửi không kỳ hạn. VietCapitalBank và LienVietPostBank lần lượt đứng thứ hai và ba với tỷ lệ CASA ở mức 5,9% và 6,3%.

Cùng với đó, một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức thấp bao gồm: SHB (8%); Baovietbank (7,6%); BacABank (6,9%); NamABank (6,8%);…

(Nguồn: BCTC quý III của 27 ngân hàng)
(Nguồn: BCTC quý III của 27 ngân hàng)

VPBank, Techcombank kích hoạt cuộc đua CASA?

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1%/năm, áp dụng từ 1/11/2022.

Cụ thể, khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng trên tài khoản thanh toán sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm; số dư tiền gửi bình quân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm.

Khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn “kịch trần” với mức 1%/năm.

Việc VPBank tăng kịch trần lãi suất không kỳ hạn được thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng các loại lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Theo đó, riêng đối với tiền gửi không kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất tối đa từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm, áp dụng từ 25/10/2022.

Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, VPBank là ngân hàng đầu tiên công bố tăng lãi suất ở loại hình tiền gửi không kỳ hạn, áp dụng với khách hàng cá nhân.

Ngoài VPBank, một ngân hàng lớn khác cũng vừa tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm, đó là Techcombank. Mức lãi suất này được Techcombank áp dụng từ 5/11.

Theo đại diện VPBank, việc ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất không kỳ hạn trên tài khoản thanh toán nhằm tri ân và gia tăng lợi ích tối đa cho khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thường xuyên duy trì và sử dụng tài khoản thanh toán để nhận lương, chi tiêu thanh toán, hay thực hiện các giao dịch tài chính khác.

“Khoản lãi suất không kỳ hạn này sẽ được trả vào tài khoản của khách hàng theo định kỳ hàng tháng, dựa trên số dư tiền gửi bình quân mỗi tháng của khách hàng tại tài khoản thanh toán. Khách hàng duy trì số dư trên tài khoản thanh toán càng nhiều, lãi suất sẽ càng cao”, đại diện VPBank chia sẻ.

Theo khảo sát của phóng viên, ngoài 2 nhà băng trên thì hiện lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng đang dao động trong khoảng 0,1 – 0,5%/năm. Trong đó, 3 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV và VietinBank giữ ở mức thấp nhất là 0,1%/năm. MB và Agribank áp dụng mức cao hơn 0,5%/năm.

Trước đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của đa số ngân hàng thương mại áp dụng mức rất thấp, dao động mức 0,02 - 0,2%. Mức 0,2%/năm cũng là mức trần với tiền gửi này trước thời điểm 23/9.

Kể từ 23/9, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn; lên mức 0,5%/năm từ ngày 23/9 và lên 1%/năm vào 24/10.

Với động thái trên của VPBank và Techcombank, dự kiến sẽ kích hoạt cuộc đua CASA thời gian tới bằng việc nhiều ngân hàng khác sẽ cùng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục