Hút vốn FDI từ châu Âu: Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

(Banker.vn) Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp châu Âu đã đưa ra những tín hiệu lạc quan với môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, thể hiện qua Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã tăng 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022. Tuy nhiên, để thực sự hấp dẫn được dòng vốn từ châu Âu, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn những “điểm nghẽn” rất cần tháo gỡ.

Bà Đặng Tuyết Vinh - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho biết: 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới cả thương mại lẫn đầu tư của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, 9/10 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực trong đợt bùng phát dịch thứ tư diễn ra vào cuối tháng 4/2021, khiến Chỉ số BCI đã từng giảm xuống mức kỷ lục.

Tuy nhiên, với việc triển khai tiêm phủ vắc xin nhanh chóng và quyết tâm của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã dần mở cửa trở lại. Trước bối cảnh đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp châu Âu đã đưa ra những tín hiệu lạc quan, tự tin với môi trường thương mại và đầu tư “bình thường mới” của Việt Nam, thể hiện qua BCI đã tăng 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022.

Bên cạnh ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh, đại diện EuroCham cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua, giúp Việt Nam được đánh giá như một điểm đến hấp dẫn về đầu tư và thương mại. Trong đó, ấn tượng trong cải thiện môi trường kinh doanh là những cải cách mạnh mẽ trong vấn đề kiểm tra chuyên ngành, nổi bật trong nhóm này là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP - một nghị định được coi là cách mạng trong ngành thực phẩm khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Kết quả 4 năm thực hiện cho thấy, Nghị định 15 phù hợp và hiệu quả, ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng cao, ngay cả trong đại dịch. Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc triển khai Nghị định 15 đã tiết kiệm đến 8,5 triệu ngày công và 3.332,5 tỷ đồng/năm.

"EuroCham rất mong những cuộc cải cách trong ngành thực phẩm với thành tựu như Nghị định 15 sẽ được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa" - bà Đặng Tuyết Vinh nhấn mạnh.

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (đề án cải cách về kiểm tra chuyên ngành). EuroCham và các thành viên kỳ vọng, Nghị định sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành và mong nghị định sớm được ban hành.

Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ châu Âu

Hiện tại, khi virus Covid-19 đã dần được kiểm soát, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ sớm được thực hiện, bà Đặng Tuyết Vinh cho rằng, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.

Tuy nhiên, hiện môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn một số vấn đề nổi lên, được coi là “điểm nghẽn” đáng kể trong việc phát huy tối đa tiềm năng và tính hấp dẫn của thị trường thương mại và đầu tư, đó là những vấn đề về cơ sở hạ tầng, nhân lực và môi trường kinh doanh liên quan đến thể chế và thủ tục hành chính.

Trong cải cách thể chế, EuroCham khuyến nghị xây dựng một môi trường đầu tư mang tính dự báo và bền vững để đạt được tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam. Đơn cử trong lĩnh vực dược phẩm, các doanh nghiệp châu Âu mong muốn giải quyết kịp thời những vướng mắc về chính sách hiện nay, nhằm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Về cải cách về thủ tục hành chính, các doanh nghiệp thành viên EuroCham cho biết, họ gặp khó khăn rất nhiều khi không đủ thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng áp dụng hóa đơn điện tử ngay trong năm 2021. EuroCham đã khuyến nghị với Bộ Tài chính trường hợp doanh nghiệp không được xếp vào nhóm doanh nghiệp rủi ro cao về thuế, đề nghị cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã xác nhận theo yêu cầu. Hay trong lĩnh vực thuế, chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết 43 được cộng đồng doanh nghiệp hết sức hoan nghênh, tuy nhiên việc áp dụng Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Nghị quyết trên thực tế lại vấp phải trở ngại và đem đến phiền hà lớn cho cộng đồng doanh nghiệp khi yêu cầu cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng, tạo thêm nhân công và thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Theo đó, nếu không có sự cải thiện tích cực về thể chế, thủ tục hành chính, Việt Nam khó để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng từ châu Âu...

Chỉ số BCI của EuroCham quý IV/2021 đã chỉ ra rằng, 32% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết, thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn đối với việc tận dụng những lợi ích của EVFTA trong hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam.
Nguyễn Hòa
Theo Báo Công thương
Theo: Báo Công Thương