Hướng tới thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững

(Banker.vn) Tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững, đặc biệt là tác động xấu tới môi trường.
Bộ Công Thương gỡ khó để doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới Bộ Công Thương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử Sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành: Cầu nối cho hàng Việt

Ngày 21/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam với sự đồng hành của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 - Hướng tới thương mại điện tử xanh.

Diễn đàn có sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo và các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng.

Hướng tới thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua. Theo Báo cáo 6 tháng/2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

“Tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững, đặc biệt là tác động xấu tới môi trường. Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, khâu giao hàng như: Xe cộ chạy trên đường, thải lượng lớn khí carbon; hay khâu đóng gói hộp carton, bao bì ni lông, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần,… đã tác động không nhỏ tới môi trường” - bà Lê Hoàng Oanh cho hay.

Theo Báo cáo logistics Việt Nam, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành thương dao động từ 10% - 20%. Còn trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ cao nhất khoảng từ 60% - 80%. Chính vì vậy, việc tối ưu hoá chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.

Hướng tới thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững
Hướng tới thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững

Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong thương mại điện tử như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30% - 40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính như Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Có thể kể đến việc tiết giảm số lượng thùng carton, chuyển sang dùng 100% bao bì tái chế hay giảm rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay…

“Để thương mại điện tử nước ta phát triển bền vững, thân thiện hơn với môi trường, đồng thời trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh, các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp” - bà Lê Hoàng Oanh đề nghị.

Hướng tới thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững
Các diễn giả trao đổi về chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững

Tại Diễn đàn các diễn giả từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã trao đổi về chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững, tối ưu hoá hoạt động logistics bảo vệ môi trường, kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn và hàm ý cho thương mại điện tử, chiến lược phát triển bưu chính bền vững, xây dựng hệ sinh thái logistics bền vững cho thương mại điện tử, xanh hoá Logistics - hướng đi quan trọng cho phát triển bền vững, trao đổi các chính sách, giải pháp để dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng xanh hơn trong giai đoạn tới.

Được biết, các chính sách về kinh tế số và thương mại điện tử hiện tại đều tập trung vào các giải pháp phát triển nhanh. Trong bối cảnh đó, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã thảo luận về sự cần thiết phải triển khai mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhằm hậu thuẫn cho việc ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững, thân thiện môi trường cho những năm tới. Nhiều giải pháp cụ thể liên quan tới doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng và người tiêu dùng đã được thảo luận.

Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 - Hướng tới thương mại điện tử xanh là sự kiện quy mô lớn đầu tiên gợi mở các hoạt động ở tầm chính sách vĩ mô lẫn các giải pháp cụ thể ở quy mô doanh nghiệp nhằm đưa thương mại điện tử Việt Nam từ giai đoạn phát triển nhanh tới một giai đoạn phát triển bền vững.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương