Hướng đi bền vững cho ngành dệt may khi thị trường thế giới còn biến động

(Banker.vn) Trong bối cảnh thế giới năm 2024 còn nhiều biến động, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD.
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam có gặp thách thức tại thị trường EU? Ngành dệt may, da giày: Phấn đấu lấy lại đà tăng trưởng

Đây thực sự là một kỳ vọng lạc quan và cũng là động lực để các doanh nghiệp quay trở lại đường đua và bứt phá trong thời gian tới.

Dệt may Việt Nam đặt quyết tâm cao trước bối cảnh thế giới còn khó khăn

Tại hội nghị “Tổng kết Hiệp hội Dệt may Việt Nam 2023” vào cuối năm vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đã đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu của ngành là 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước. Trong bối cảnh khó khăn chung của nhiều ngành kinh tế, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ cần nỗ lực và quyết tâm cao để chinh phục được con số này.

Theo khảo sát mới nhất của McKinsey với các nhà lãnh đạo về thời trang vào cuối năm 2023, hầu hết các người tham gia đều có tâm lý chưa chắc chắn về khả năng hồi phục của ngành trong năm 2024.

Hướng đi bền vững cho ngành dệt may khi thị trường thế giới còn biến động
Kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng dệt may 2018-2024

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,7%, thấp hơn mức dự báo 2,9% cho năm 2023. Hơn thế, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Mỹ, thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam dự kiến chỉ ở mức 1,5% trong năm nay, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với năm 2023.

Bên cạnh kinh tế có dấu hiệu đi xuống, niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ còn yếu cũng là nguyên nhân khiến giới chuyên gia lăn tăn về khả năng hồi phục trong năm mới. Theo Conference Board (CB), chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 12/2023 ở mức 110,7 điểm. Dù đang hồi phục so với giai đoạn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất liên tục, con số hiện tại vẫn chưa thể quay về thời điểm trước Covid-19, với mức trung bình 130,7 điểm trong năm 2018. Dệt may là mặt hàng không thiết yếu, do đó, khi kinh tế gặp khó khăn và chi tiêu của người dân còn hạn chế, nhu cầu cũng khó có thể sớm phục hồi rõ nét.

Tại thị trường nội địa, thách thức cũng không nhỏ khi chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) tháng 12 thể hiện góc nhìn của các nhà quản lý doanh nghiệp về tình hình kinh doanh những tháng tiếp theo vẫn còn nằm dưới “ngưỡng 50”.

Hướng đi bền vững cho ngành dệt may khi thị trường thế giới còn biến động
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Bày tỏ quan điểm về mục tiêu xuất khẩu của VITAS, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: “Dù biết năm nay nhiều thách thức đang chờ đợi nhưng việc sẵn sàng đặt mục tiêu cao đã cho thấy quyết tâm “quay trở lại” của toàn ngành dệt may. Nếu mục tiêu này hoàn thành, đây sẽ là bước đệm quan trọng đưa dệt may Việt Nam về với vị thế vốn có của mình.”

Chắt chiu những lợi thế nền tảng

Nhìn bức tranh tổng thể của ngành dệt may Việt Nam hiện tại vẫn bao trùm một gam màu xám. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có nhiều tia sáng có thể tận dụng để phục hồi ngành dệt may và hướng tới mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm 2024.

Đầu tiên là lợi thế về lao động. Là một ngành cần sử dụng nhiều lao động; hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu về lao động trong ngành dệt may toàn cầu đang có xu hướng đi lên, các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể tận dụng lợi thế dân số của nước ta để phát huy ưu điểm này.

Hướng đi bền vững cho ngành dệt may khi thị trường thế giới còn biến động
Dự báo lao động trong ngành dệt may đến năm 2028

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, dân số Việt Nam đã vượt 100 triệu dân. Trong đó, lực lượng lao động chiếm hơn một nửa dân số, với 52,4 triệu người. Đồng thời, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,9%. Có thể thấy, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, điều này tạo lợi thế lớn về nguồn lao động trong quá trình thúc đẩy sự hồi phục của ngành dệt may.

Ngoài ra, những bài học từ năm 2023 cũng là bước đệm có thể tận dụng tốt trong năm 2024. Năm qua, dù kim ngạch xuất khẩu giảm do các doanh nghiệp gặp khó khăn khi sụt giảm đơn hàng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn chắt chiu nhận và giữ các đơn hàng nhỏ vốn không phải là lợi thế nhưng lại là việc làm cần thiết để duy trì hiện diện trên thị trường. Đặc biệt, khi những thị trường truyền thống lớn như Mỹ, châu Âu yêu cầu khắt khe hơn và chưa có phục hồi rõ ràng thì các doanh nghiệp đã tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Cho nên năm 2023 là năm bứt phá thị trường của ngành dệt may Việt Nam khi vươn tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, thị trường ngành dệt may quý IV/2023 bắt đầu sôi động, các đơn hàng quay trở lại. Đây là xu thế rất tốt cho mục tiêu năm 2024.

Ngoài ra, khả năng làm chủ nguyên liệu đầu vào cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Bông hiện là nguyên liệu đầu vào chính cho ngành công nghiệp tỷ USD này. Tuy vậy, hiện nay chúng ta đang nhập khẩu gần như 100% bông tự nhiên. Do đó, việc dự báo biến động của thị trường để có chiến lược mua vào hợp lý cũng góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí và gia tăng khả năng hồi phục cho dệt may trong nước.

Nhận định về thị trường bông trong năm 2024, ông Dương Đức Quang cho biết: “Nhu cầu bông, đặc biệt là bông Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, sản lượng bông tại quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới dự kiến giảm 12,8% so với vụ trước và là mức thấp nhất trong 23 năm. MXV dự báo thời gian tới, giá bông sẽ có xu hướng tăng. Cho nên, các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này, đặc biệt từ Mỹ cần theo dõi thị trường sát sao để mua hàng với mức giá phù hợp nhất.”

Xanh hóa là quá trình tất yếu cho sự tăng trưởng trở lại

Bên cạnh mục tiêu ngắn hạn 44 tỷ USD trong năm 2024, bài toán dài hạn mà ngành dệt may cần hướng tới là việc lấy lại và khẳng định vị thế quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Để làm được điều này, việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình xanh hóa được coi là tất yếu. Yêu cầu sản phẩm thân thiện với môi trường và chiến lược “thời trang bền vững” từ Châu Âu cũng như các thị trường nhập khẩu dệt may lớn, đặt dệt may Việt Nam vào thế phải thay đổi. Do đó, với các DN trong ngành dệt may, đẩy nhanh tốc độ "xanh hóa" đang trở thành mục tiêu của ngành để tìm kiếm đơn hàng.

Trên thực tế, vấn đề giảm phát thải cũng là mối quan tâm hàng đầu của ngành dệt may trong bối cảnh mới. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mỗi năm, ngành dệt may đang chi khoảng 3 tỷ USD cho tiêu thụ năng lượng. Ngành này hiện chiếm khoảng 8-10% nhu cầu năng lượng toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm. Hơn thế, xu hướng “thời trang nhanh” vẫn đang khá thịnh hành trên thị trường, dự kiến ngành thời trang sẽ chiếm khoảng 25% tổng phát thải các-bon của thế giới vào năm 2050.

Hướng đi bền vững cho ngành dệt may khi thị trường thế giới còn biến động
Các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam

Để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều ngành nghề, trong đó có dệt may đang nỗ lực giảm phát thải ra môi trường. Hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Không chỉ dừng lại ở mục tiêu 44 tỷ USD, năm 2024, ngành dệt may còn tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về sản phẩm xanh.

Trịnh Thảo

Theo: Báo Công Thương