Hưng Yên: Công nghiệp, thương mại tăng trưởng mạnh mẽ

(Banker.vn) 7 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực, tổng thu ngân sách đến nay đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Không ngừng nâng hiệu quả hoạt động, đáp ứng các nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên: “Giữ trọn niềm tin” tất cả vì người bệnh Điện lực Hưng Yên bảo đảm cấp điện ổn định cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 9/8, Đoàn công tác của Chính phủ do Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn.

Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, 7 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,81%; trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 11,13%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ (công nghiệp, xây dựng chiếm 64,13%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,05%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 7,82%).

Tổng thu ngân sách đến nay đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng, đạt 67,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Chỉ số cải cách hành chính có sự thay đổi lớn; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo và phát triển; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại của tỉnh tiếp tục được mở rộng.

Hưng Yên: Công nghiệp, thương mại tăng trưởng mạnh mẽ
Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAND

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Lương Tam Quang cùng các bộ, ngành đã vào cuộc, quyết liệt giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn, Đoàn công tác tiếp tục nắm tình hình thực tiễn của địa phương, sớm báo cáo Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, Đoàn công tác nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp mà tỉnh Hưng Yên đã đề ra trong những tháng cuối năm 2024. Đồng thời đề nghị lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh làm tốt vai trò tham mưu, tư lệnh ngành; quyết liệt, chủ động, tính toán, lường trước các vấn đề, nhiệm vụ để có kế hoạch phân công, lộ trình thực hiện cụ thể, thực hiện song song các nhiệm vụ; quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần phải vào cuộc tháo gỡ ngay.

“Tỉnh Hưng Yên khẩn trương triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/6/2024. Đây là văn bản quan trọng, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, giúp tỉnh Hưng Yên nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ.

Tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xây dựng; đẩy mạnh đầu tư nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị; ưu tiên đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, có giải pháp đồng bộ, triển khai hiệu quả Đề án thương mại điện tử quốc gia và sản xuất thượng mại điện tử của tỉnh; phát triển các kênh phân phối, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa.

Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh cho bà con nông dân, xây dựng cánh đồng mẫu, cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Tăng cường công tác thúc đẩy xúc tiến thương mại, khắc phục tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Là vùng đất văn hiến, tỉnh Hưng Yên còn nhiều dư địa về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh. Do vậy, cần có giải pháp, lộ trình cụ thể để phát huy hết những tiềm năng, lợi thế để vươn lên một cách bền vững.

Hưng Yên: Công nghiệp, thương mại tăng trưởng mạnh mẽ
Ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAND

Theo báo cáo, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của đoàn công tác rất cao (đạt tỷ lệ trên 90%), thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành là thành viên đoàn công tác trong việc giúp đỡ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để đẩy nhanh tiến độ cũng như nâng cao chất lượng giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương hơn nữa, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn, phối hợp, giúp đỡ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có văn bản trả lời Tỉnh ủy, UBND tỉnh với phương châm “đi đến tận cùng, giải quyết triệt để vấn đề”, tránh việc trả lời kiến nghị một cách qua loa, hình thức, chiếu lệ. Đồng thời, đối với mỗi vấn đề vướng mắc cụ thể, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần trao đổi, tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành để được hướng dẫn và thống nhất các giải pháp tháo gỡ, không thụ động chờ các bộ, ngành trả lời.

Đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất vượt quá thẩm quyền, đoàn công tác ghi nhận và khẳng định sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để phân loại chỉ đạo, giải quyết trong thời gian sớm nhất...

Hưng Yên phấn đấu lọt top 10 về chỉ số đổi mới sáng tạo

Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) có thể ví như công cụ “chẩn đoán sức khỏe” nền kinh tế các địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Chuẩn cho biết, theo số liệu công bố, Bộ chỉ số PII 2023 của Hưng Yên đạt 42,52 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, điểm mạnh của tỉnh với 5 chỉ số thành phần như: Tỷ lệ doanh nghiệp chứng chỉ ISO/1.000 doanh nghiệp; đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/1.000 dân; đơn đăng ký nhãn hiệu/1.000 doanh nghiệp; đơn đăng ký thiết kế kiểu dáng công nghiệp/1.000 dân và tốc độ năng suất lao động. Tuy vậy, tỉnh cũng có 5 chỉ số thành phần còn yếu là chi phí gia nhập thị trường; chi cho nghiên cứu và phát triển/GRDP (%); cơ sở hạ tầng cơ bản; số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn khoa học và công nghệ/1.000 doanh nghiệp và tỷ lệ các dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp/1.000 doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng, để khắc phục những chỉ số thành phần còn yếu trong Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, ngày 18/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 106 về "Cải thiện và nâng cao Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của tỉnh Hưng Yên" nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh năm 2024. Theo đó, tỉnh phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 và duy trì thứ hạng những năm tiếp theo.

Phong Lâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục