HSBC: GDP Việt Nam có thể đạt 6% năm 2024

(Banker.vn) Báo cáo Vietnam At A Glance năm 2024 vừa được HSBC công bố với niềm tin rằng Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng tăng trưởng 6% trong năm 2024
WB dự báo GDP Việt Nam chỉ ở mức 4,7% trong năm 2023 Phục hồi xuất khẩu sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2024 tăng 6,5%

“Đông sang, xuân cũng không muộn màng” là chủ đề của báo cáo Vietnam At A Glance năm 2024 với nhận định Việt Nam đang chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới, tuy nhiên, rủi ro vẫn cần được quan sát chặt chẽ.

HSBC: GDP Việt Nam có thể đạt 6% năm 2024
Năm 2024 với nhận định Việt Nam đang chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới

Theo HSBC, 2023 không phải một năm dễ dàng đối với Việt Nam, nhưng tăng trưởng cả năm 2023 đạt 5,1%, phù hợp với kỳ vọng của HSBC, và kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững vàng. Mức tăng trưởng của 2023 là cơ sở để định chế tài chính này đưa ra dự báo rằng, kỳ vọng tăng trưởng của Việt Na, sẽ tăng tốc lên 6,0% trong năm 2024.

Lý giải cho kỳ vọng này, Báo cáo nhận định: Bên cạnh lĩnh vực sản xuất cải thiện, ngành dịch vụ sôi động của Việt Nam tiếp tục mang lại sự trợ lực vốn rất cần thiết cho nền kinh tế. Dịch vụ trong quý 4 đã tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là từ các lĩnh vực liên quan đến du lịch như bán lẻ, vận tải và lưu trú.

Theo HSBC, năm 2024 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn cho Việt Nam. Yếu tố quan trọng nhất là năng lực bổ sung trong thương mại từ các dòng vốn FDI ổn định mang lại niềm hy vọng cho lĩnh vực bên ngoài khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Mặc dù chu kỳ thương mại là yếu tố mang tính ngắn hạn, FDI phản ánh tâm lý nhà đầu tư trong trung và dài hạn.

Việt Nam được biết đến rộng rãi là quốc gia hưởng lợi chính từ những căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, một xu hướng sẽ còn tiếp diễn. Cả tổng FDI và FDI mới trong năm 2023 đều gần đạt đến các mức cao trong lịch sử trước đây, đặc biệt là FDI dạng đầu tư mới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm đạt, khoảng 5% GDP. Đáng chú ý là FDI mới đổ vào sản xuất đã tăng lên mức cao mới đạt trên 15 tỷ USD, 80% trong số đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Kết quả này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Malaysia.

Xét về nguồn FDI, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm, nhưng Trung Quốc đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng. Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Tổng cộng, Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Đài Loan (Trung Quốc), chiếm gần một nửa dòng FDI mới của Việt Nam trong năm 2023. Đáng chú ý trong năm qua, phần lớn vốn FDI là đổ vào điện tử, một lĩnh vực mà Việt Nam nhanh chóng trở thành một ngôi sao đang lên.

“Đây cũng là lĩnh vực mà các dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài điện tử, các nhà đầu tư cũng ngày càng bị thu hút bởi thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn của Việt Nam, một xu hướng mà các tập đoàn Nhật Bản đã đón đầu từ sớm”, HSBC nhận định.

HSBC: GDP Việt Nam có thể đạt 6% năm 2024
Tỷ trọng rổ tính toán CPI của Việt Nam

Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá được tác động nhưng theo đánh giá của HSBC, những tác động này có thể nằm trong tầm kiểm soát. Cần theo dõi chặt chẽ cách quản lý nguồn ngân sách bổ sung từ thuế cũng như những phương pháp đi kèm hoặc ưu đãi khác sẽ được áp dụng nhằm bù đắp cho mức thuế tăng lên. Song song với việc bật đèn xanh cho tăng thuế, các cơ quan quản lý cũng đã lên kế hoạch nghiên cứu ban hành những ưu đãi cụ thể trong năm 2024.

HSBC cho rằng, để đi đến một quyết định đầu tư thì thuế là yếu tố tối quan trọng, nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định số phận các dòng vốn FDI. Vì vậy, điều quan trọng là cần cải thiện các chỉ số khác, chẳng hạn như mức độ kết nối hạ tầng, mức độ dồi dào của lực lượng lao động có tay nghề, sự thuận lợi trong kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do… Thêm nữa, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất chuẩn bị áp dụng mức thuế tối thiểu này, các nước ASEAN khác cũng đang nghiên cứu triển khai tương tự.

Mặt khác, lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm. Năm 2023, lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong mức kiểm soát, bình quân ở mức 3,3%, phù hợp với dự báo của HSBC. Trong năm 2024, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức nhẹ, dự báo ở mức 3,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát mới là 4-4,5%. Mặc dù xu hướng giảm lạm phát diễn ra trên diện rộng ở Việt Nam, áp lực giá vẫn chưa hoàn toàn mất đi.

“Mặc dù vẫn lưu tâm đến rủi ro tăng giá, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở 4,5% trong suốt năm 2024”, Báo cáo dự báo.

Tựu trung lại, HSBC tin rằng Việt Nam đang phục hồi theo đúng tiến độ, có khả năng lấy lại mức tăng trưởng xu hướng 6% trong năm 2024. Khi các dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi, mang lại cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu. Mặc dù cần theo dõi diễn biến tác động của việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%, những tác động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục