Hợp tác nông nghiệp, thương mại điện tử Việt Nam - New Zealand sẽ khởi sắc

(Banker.vn) New Zealand có thế mạnh trên các lĩnh vực như nông nghiệp, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... đây là dư địa cần khai thác.
Mặt hàng nào Việt Nam nhập khẩu từ thị trường New Zealand tăng 1.108%? Củng cố quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực Thủ tướng lên đường dự Hội nghị đặc biệt ASEAN-Australia, thăm Australia và New Zealand

Hợp tác nông nghiệp, giáo dục sẽ là điểm nhấn

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia và thăm chính thức Australia, New Zealand, sau khi rời Australia, Thủ tướng sẽ thăm chính thức New Zealand.

Trong chuyến thăm New Zealand lần này của Thủ tướng, hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, trong đó mở rộng hợp tác các lĩnh vực tiềm năng.

Quan hệ Việt Nam - New Zealand là mối quan hệ song phương có bề dày lịch sử. Năm 1975 hai nước Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao và đến năm 2009 quan hệ hợp tác giữa hai nước được nâng cấp lên quan hệ Đối tác toàn diện. Năm 2020, hai nước tiếp tục nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược.

Trong năm 2021, New Zealand và Việt Nam đã ký Chương trình hành động Việt Nam - New Zealand nhằm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược. Do đó, chuyến công tác lần này của Thủ tướng đến Newzeland sẽ là cơ hội để hai nước cùng đánh giá kế hoạch đó đã được triển khai như thế nào với các kết quả cụ thể, đồng thời tập trung thảo luận không chỉ những thành tựu mà còn cả những lĩnh vực hợp tác trọng tâm trong tương lai.

Hợp tác nông nghiệp, thương mại điện tử với New Zealand sẽ khởi sắc
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và New Zealand đã hợp tác hiệu quả. Ảnh minh họa

Phân tích về những điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, Quyền Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Hinton cho rằng thành tựu quan trọng nhất trong mối quan hệ hai nước là việc nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2020. Đây là một cột mốc quan trọng, thể hiện cam kết cấp cao của cả hai nước trong việc thúc đẩy và củng cố mối quan hệ song phương.

Theo bà Wendy Hinton, mối quan hệ thương mại song phương đang phát triển tốt đẹp. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand và hiện nay cả hai bên đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu thương mại hai chiều là 2 tỷ USD vào cuối năm 2024.

Dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê New Zealand, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu trên không còn quá xa vời khi năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 1,67 tỷ USD.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, bà Wendy Hinton nhận định, nông nghiệp và giáo dục sẽ là những lĩnh vực tiềm năng để hai nước thúc đẩy hợp tác. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay hai nước đang có thỏa thuận hợp tác nông nghiệp tập trung vào các ưu tiên như: Giảm phát thải khí nhà kính, an toàn thực phẩm, thú y và phát triển nông thôn... Trong khi đó, giáo dục sẽ là điểm nhấn trong mối quan hệ giữa hai nước thời gian tới.

Cùng chung nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng từng chia sẻ, trong thời gian qua, New Zealand là một đối tác đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục đào tạo, đến các lĩnh vực về bình đẳng giới, phát triển.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và New Zealand đã có rất nhiều hợp tác hiệu quả. Bên cạnh đó, tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố.

“Trong chuyến thăm New Zealand lần này của Thủ tướng Chính phủ, hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, trong đó có hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống như là thương mại, đầu tư…” – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thông tin và cho biết, trọng tâm hợp tác giữa hai nước cũng sẽ bao gồm các lĩnh vực mang tính gắn kết, giao lưu nhân dân, đặc biệt là hợp tác về lao động, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, nhất là về công nghệ mới trong nông nghiệp và những biện pháp để mở rộng thị trưởng xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của cả hai bên.

Đáng chú ý, New Zealand có thế mạnh trên các lĩnh vực như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và chuyển đổi số... Đây là dư địa cần khai thác trong triển vọng hợp tác hai nước trong thời gian tới.

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử cũng là một trong những lĩnh vực tiềm năng. Mặc dù là thị trường có quy mô nhỏ nhưng New Zealand là thị trường thương mại điện tử phát triển khá sôi động, đứng thứ 48 trên thế giới.

New Zealand có thế mạnh về lĩnh vực Phần mềm dịch vụ (SaaS), lĩnh vực này đã tạo ra doanh thu 2,2 tỷ USD vào năm 2021 và hiện đang tăng 16% mỗi năm. Sự tăng trưởng bền vững của lĩnh vực SaaS cho thấy, lĩnh vực này có thể trở thành ngành công nghiệp chính của New Zealand. Nếu tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên 19% mỗi năm thì đến năm 2030, ước tính lĩnh vực này có thể trị giá gần 14 tỷ USD và tạo ra tới 58.000 việc làm mới.

Đáng chú ý, hiện nay Việt Nam và New Zealand cùng là thành viên của một số tổ chức, diễn đàn khu vực như Liên hợp quốc, APEC... Hai bên cũng là thành viên của một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đều có các cam kết về thương mại điện tử.

Vừa qua, Tổng Lãnh sự quán New Zealand vừa tổ chức sự kiện "Hội tụ tinh hoa trong kỷ nguyên kinh tế số" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối sữa hươu Pamu và sữa cừu Spring sheep New Zealand đến người tiêu dùng Việt Nam thông qua nền tảng TikTok.

Ông Scott James - Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam cho biết, New Zealand là một đất nước trù phú với thế mạnh sản xuất những thực phẩm chất lượng. Các sản phẩm nông nghiệp của New Zealand tươi ngon và nhiều chất dinh dưỡng phát triển trên cơ sở nền nông nghiệp thông minh. Do vậy, ông tin tưởng rằng với sự hỗ trợ từ Tiktok sữa hươu Pamu và sữa cừu Spring sheep New Zealand sẽ được nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết đến và ủng hộ.

Để khai thác tiềm năng và các điều kiện thuận lợi quan hệ thương mại, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam và New Zealand là thành viên nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế và xuất xứ hàng hóa.

Hơn nữa, khi tiếp cận thị trường cần có chiến lược bài bản, dài hạn; đồng thời tuân thủ nghiêm quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường này với sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương