Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thêm nhiều hành lang rộng mở

(Banker.vn) Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời phỏng vấn về triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, công nghiệp và thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Việt Nam – Hoa Kỳ: Kinh tế, thương mại là động lực của quan hệ song phương Nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10/9 đến 11/9/2023. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là sự tiếp nối truyền thống gần 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ với nhiều dấu ấn phát triển về hợp tác kinh tế.

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh kết quả và triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, công nghiệp và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay.

Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thêm nhiều hành lang rộng mở
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Lễ đón chiều ngày 10/9/2023. (Ảnh Báo Chính phủ)

Thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay, sự bổ trợ giữa hai nền kinh tế

PV: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết đánh giá của Bộ Công Thương về hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau 30 năm quan hệ ngoại giao đến nay đạt được những thành tựu gì nổi bật?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Từ thời điểm năm 1994 khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bắt đầu. Hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007)… trong đó Hiệp định Thương mại song phương (BTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2001 đã đặt nền móng quan trọng, có tính chất khai mở giúp tạo chuyển biến trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ một cách thực chất và mạnh mẽ.

Trải qua gần 30 năm từ thời điểm đó, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ

Theo số liệu của Cục thống kê Hoa Kỳ (US Census) năm 2022 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 138,9 tỷ USD, tăng 23,0% so với năm 2021. Trong đó:

+ Xuất khẩu của Việt Nam đạt 127,5 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2021;

+ Nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 11,4 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2021;

+ Xuất siêu của Việt Nam đạt 116,1 tỷ USD, tăng 27,7% so với năm 2021.

Một đặc điểm rất quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đó là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử…

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… để đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế. Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Hoa Kỳ tạo ưu thế quan trọng là giúp làm “sạch hóa” chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận.

Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới.

Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thêm nhiều hành lang rộng mở
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Hành lang rộng mở từ nhiều thuận lợi mới

PV: Những thành tựu to lớn trên đã tạo ra nền tảng thuận lợi gì trong tiếp tục phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Về các yếu tố thuận lợi trong phát triển quan hệ thương mại hai nước:

Thứ nhất, cơ chế đối thoại chính sách thông qua Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) do Bộ Công Thương đồng chủ trì cùng với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang được triển khai hiệu quả, giúp xử lý nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế kinh tế, thương mại song phương. Nhờ vào sự kiên định vun đắp, xây dựng lòng tin chiến lược của cả hai phía, Hoa Kỳ ngày càng coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực, luôn đặt trọng tâm hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến hợp tác mới của Hoa Kỳ trong khu vực như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển nền kinh tế số…

Thứ hai, trong bối cảnh Việt Nam – Hoa Kỳ tăng cường trao đổi chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao và đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có nhiều cuộc làm việc và trao đổi thẳng thắn qua nhiều kênh khác nhau để đề nghị đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích chính đáng của Việt Nam. Nếu được giải quyết thỏa đáng sẽ không chỉ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại, mà còn giúp cho vai trò, vị thế và niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam gia tăng đáng kể trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi với Hoa Kỳ đề nghị khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan tới lợi ích chính đáng của Việt Nam, đồng thời sẽ giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được đối xử công bằng hơn, tương tự như các đối tác chiến lược của Hoa Kỳ hiện đang được hưởng, mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Thứ tư, nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy và nguy cơ phụ thuộc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ định hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, từ đó giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các Tập đoàn Hoa Kỳ. Đến nay, đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi. Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, chính sách chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hiện nay đã trở thành xu thế hợp tác và phát triển chủ đạo. Tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này sẽ tạo góp phần để Việt Nam xây dựng và đầu tư hệ thống năng lượng quốc gia hiệu quả hơn, đồng thời tạo cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và công nghệ cao vào lĩnh vực này tại Việt Nam.

PV: Bên cạnh những thành tựu và nền tảng thuận lợi đó, còn có những khó khăn và thách thức gì ảnh hưởng đến việc tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ thương mại giữa hai nước?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:

Để phát triển mối quan hệ thương mại giữa hai nước hài hòa, bền vững, cần lưu ý khắc phục một số yếu tố khó khăn, thách thức sau:

Thứ nhất, Hoa Kỳ là một thị trường nhập khẩu cực lớn với quy mô 3.277 tỷ USD (năm 2022). Tuy nhiên đây cũng là một thị trường siêu cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.

Tại thị trường Hoa Kỳ, sự hiện diện của các nhà nhà sản xuất và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ. Để cạnh tranh hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất mà còn phải đảm bảo quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.

Thứ hai, gần đây cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nội địa, Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước. Các rào cản phi thuế có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, Hoa Kỳ gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng là nước áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam với 53 vụ kiện. Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ) để lấy ý kiến các bên liên quan. Trong dự thảo này, DOC đã đề xuất sửa đổi nhiều thủ tục, quy trình hiện hành; luật hóa nhiều thực tiễn điều tra và củng cố một số phương pháp phân tích, tính toán giá và chi phí. Đây là vấn đề Bộ Công Thương đang sát sao theo dõi và phối hợp với các hiệp hội ngành hành, doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị cho các phản ứng chính sách phù hợp.

Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thêm nhiều hành lang rộng mở
Toạ đàm giữ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh Báo Chính phủ)

Triển vọng to lớn, động lực thúc đẩy tổng thể từ thương mại, đầu tư

PV: Trước những thách thức, khó khăn nêu trên, theo ông đâu là triển vọng phát triển của mối quan hệ kinh tế thương mại song phương cũng như hợp tác trong lĩnh vực năng lượng?

Bộ Công Thương nhận định những thách thức và cơ hội nêu trên là những vấn đề tất yếu, song hành cùng quá trình phát triển mạnh mẽ của hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước. Mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng những kết quả tích cực đạt được trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày nay gần như là điều không tưởng cách đây ba thập kỷ.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đánh giá cao sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt chặng đường gần 30 năm qua. Trong mỗi bước phát triển của quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng.

Để hướng tới một mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại phát triển hài hoà, bền vững, hai bên cần không ngừng vun đắp lòng tin chiến lược, tăng cường thảo luận, làm sâu sắc hơn những mặt thuận lợi, hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược như năng lượng, hàng không, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh...

Đối với hợp tác trong lĩnh vực năng lượng:

Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang triển khai nhiều hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, từ thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, xây dựng và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện, đến phát triển điện gió, hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên sâu…. Hai bên cũng đã thiết lập cơ chế Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây là cơ chế đối thoại thường niên nhằm thường xuyên trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm, tầm nhìn về phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng. Sắp tới sẽ có thêm những khung khổ hợp tác mới như Đối tác Chuyển dịch Năng lượng công bằng (JETP) nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đã đề nghị Hoa Kỳ có những hỗ trợ cụ thể để hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả:

- Thứ nhất: hỗ trợ tư vấn chính sách để Việt Nam có thể xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp cho tương lai.

- Thứ hai: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành năng lượng mới, công nghiệp mới, với chương trình hợp tác đào tạo cụ thể, bán phần tại Việt Nam và nước ngoài, từ đó có thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực để triển khai các ý tưởng chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới mà các nước phát triển có thể chuyển giao;

- Thứ ba: hỗ trợ hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận công nghệ mới, làm chủ công nghệ, quá trình sản xuất các thiết bị phục vụ cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm cả các thiết bị điện gió như cánh quạt, tuabin, động cơ điện...; sản xuất nhiên liệu mới sạch hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng như hydrogen, amoniac xanh, hỗ trợ Việt Nam xây dựng lưới điện thông minh…

Việt Nam cần hỗ trợ thực chất để đảm bảo có thể tự chủ về các nguồn năng lượng mới, đưa giá thành năng lượng tái tạo về mức hợp lý, phù hợp với người dân, chứ không chỉ đơn thuần cần hỗ trợ vay vốn, mua thiết bị, thuê chuyên gia.

Tóm lại, có thể nhận định, trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có năng lượng sẽ tiếp tục chiếm ưu tiên cao, đóng vai trò động lực thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương thời gian tới.

Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thêm nhiều hành lang rộng mở
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Joe Biden. Ảnh: TTXVN

Xuất khẩu thêm nhiều cơ hội lớn sau chuyến thăm lịch sử

PV: Thưa Bộ trưởng, theo Bộ trưởng lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội phát triển gì mới sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden? Riêng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cần làm gì để tận dụng tốt những cơ hội đó thúc đẩy sự phát triển?

Trong 8 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Việc Fed liên tục tăng lãi xuất để kiềm chế lạm phát đã làm nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ đi xuống vì lãi suất cao. Bên cạnh đó, yếu tố chu kỳ, dự trữ hàng tồn kho tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023, khi nhiều tổ chức đánh giá FED đã đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đang tăng trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Bộ Công Thương đánh giá, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

PV

Theo: Báo Công Thương