Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” tổ chức sáng 19/11 tại TP.HCM do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị. Thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số. Thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; Thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.
Chỉ từ tháng 3/2021 đến nay đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức eKYC (định danh khách hàng điện tử) trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.
Về quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, hiện có 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Khoảng 80 ngân hàng đang triển khai dịch vụ Internetbanking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 nghìn điểm thanh toán QR, gần 298 nghìn POS.
Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vai tiêu dùng của cá nhân được số hóa…
Được biết trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán (bao gồm hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử) được ngành ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng dịch vụ. Hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, đảm bảo kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đã tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối các dịch vụ khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng. Nhiều phương thức giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đã ra đời với nhiều tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích to lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng.
Trong 2 năm qua, ngành ngân hàng đã có những chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân, giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 như giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70% đến 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công. Tổng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 đến với người dân khoảng 1.557 tỉ đồng (tính cả năm 2020 thì con số này sẽ lên tới hơn 2.000 tỉ đồng).
Minh Hoàng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|