Hơn 1 triệu hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nếu áp thuế đồ uống có đường

(Banker.vn) Theo tính toán, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường có thể gây thiệt hại 880,4 tỷ đồng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến hơn 1 triệu hộ kinh doanh.
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường: Còn nhiều thách thức Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường: Doanh thu và sản lượng của ngành sẽ giảm 3.928 tỷ đồng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Có nên áp thuế với đồ uống có đường?

Người tiêu dùng là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên

Vừa qua, Bộ Tài chính để xuất bổ sung đồ uống có đường vào danh mục sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên còn nhiều bất đồng xung quanh dự thảo này.

Một trong những lý do được đưa ra đó là do tại Việt Nam, tỉ lệ sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh trong 10 năm qua. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân béo phì, mắc đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng đến bệnh lý thận, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, gây sâu răng, gút…

Nước giải khát có đường có phải là nguồn cung cấp đường và calo duy nhất và cao nhất hay không?
Nước giải khát có đường có phải là nguồn cung cấp đường và calo duy nhất và cao nhất hay không? (Ảnh minh hoạ)

Chia sẻ về chính sách trong kiểm soát đồ uống có đường, TS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) - cho hay, hiện Việt Nam còn chưa có những chính sách tác động đến việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Do đó, cần tập trung nhóm chính sách để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Cụ thể, đồ uống có đường cần áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng thời, cần truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân, giáo dục dinh dưỡng bà mẹ và học sinh. Kiểm soát quảng cáo, tiếp thị đến trẻ em (kênh truyền thống và mạng). Giảm tính sẵn có của các sản phẩm không lành mạnh trong trường học, đặc biệt tại thành phố lớn như không bán tại các quầy nước tự động. Có nhãn dinh dưỡng mặt trước sản phẩm.

Bày tỏ sự nhất trí với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ người dân khi ban hành chính sách thuế, song chính sách cần sửa đổi phù hợp, song bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) cũng băn khoăn về công cụ thuế có thực sự góp phần bảo vệ sức khoẻ, ngăn chặn bệnh không lây nhiễm như thừa cân béo phì, tiểu đường hay không. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bà Hà cho biết giảm tiêu thụ đồ uống có đường không đồng nghĩa giảm bệnh không lây nhiễm, vì bệnh có nhiều nguyên nhân.

Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, về bản chất, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu thông qua việc tăng giá bán sản phẩm, từ đó tác động trực tiếp lên ví tiền của người tiêu dùng. Đồ ăn, thức uống là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày, vì vậy việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường sẽ tăng thêm gánh nặng tài chính cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp và trung bình, vốn đã phải “thắt lưng buộc bụng” trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Theo báo cáo của McKinsey năm 2023, thu nhập và tiết kiệm của người tiêu dùng Việt Nam đang giảm, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu hơn so với người tiêu dùng ở các nước châu Á - Thái Bình Dương khác.

Trong khi đó, nhu cầu giải khát của người lao động phổ thông và người có thu nhập thấp ở Việt Nam là rất lớn, với 55% trong số đó sử dụng nước giải khát để bổ sung năng lượng cho các hoạt động thể chất và thể thao.

Mặt khác, cuộc sống của người dân còn chịu tác động tiêu cực khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp suy giảm do thay đổi trong chính sách thuế. Thực tế hiện nay, số lượng lao động trong ngành nước giải khát và ngành mía đường ở nước ta là rất lớn. Chỉ xét riêng về các doanh nghiệp nước giải khát, mỗi doanh nghiệp nước giải khát có quy mô tổng số lao động lên tới gần 3.000 - 4.000 người, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng lên đến 9.000 doanh nghiệp và số hộ kinh doanh sản phẩm lên tới 1 triệu hộ

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc và hàng trăm nghìn công ăn, việc làm của người lao động. Cụ thể, giá trị sản xuất của 24 ngành hàng sẽ giảm trung bình 0,08%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía.

Nguy cơ thất thu ngân sách nếu áp dụng sắc thuế mới

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra rằng nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát, tuy ngân sách sẽ tăng 2.279,1 tỷ đồng, nhưng sản lượng sản xuất sẽ sụt giảm 3.159,5 tỷ đồng, kéo theo ảnh hưởng âm 880,4 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Hơn 1 triệu hộ kinh doanh ảnh hưởng nếu áp thuế đồ uống có đường
Hơn 1 triệu hộ kinh doanh ảnh hưởng nếu áp thuế đồ uống có đường

Các con số khác trong báo cáo của CIEM đều cho thấy mức thiệt hại nặng nề của chính sách thuế mới đối với nền kinh tế nước nhà: giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, và thu ngân sách qua thuế gián thu cũng giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/202 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025. Sau khi thảo luận qua hai kỳ họp, dự kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 2026.

Nước giải khát có đường có phải là nguồn cung cấp đường và calo duy nhất và cao nhất hay không? Đây có phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm hay không? Các chuyên gia cho rằng, bệnh thừa cân béo phì do nhiều nguyên nhân khác nhau đến từ đường, muối, chất béo, thực phẩm nhiều calo khác.

Vì vậy, khi áp thuế đồ uống có đường, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sản phẩm khác có hàm lượng chất béo, đường lớn hơn, trong đó có nước giải khát siro bán tràn lan. Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu nên doanh nghiệp sẽ chuyển thuế này sang tăng giá sản phẩm khi bán cho người tiêu dùng, khi đó, người dân có thể chuyển đổi hành vi sang sử dụng đồ uống khác không có lợi cho sức khoẻ.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế - xã hội và đưa ra các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục