Hôm nay, đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

(Banker.vn) Chiều 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ thảo luận, góp ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng nữ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra từ 5-7/4 để thảo luận, góp ý kiến về 7 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Hôm nay, đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về 7 dự án luật (ảnh minh họa)

Theo đó, vào chiều 5/4, cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận về dự án Luật, đồng thời, cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu (nếu có).

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Để thực hiện mục đích trên, Dự án Luật xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản, gồm: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 6/5/2021.

Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật như sau: Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Thứ hai, bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Thứ ba, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thứ tư, bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù.

Thứ năm, hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thứ sáu, hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Thứ bảy, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước đó, vào ngày 15/2, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 45 Điều; bổ sung 02 Điều; chuyển nội dung 02 Điều sang điều khác; bãi bỏ 02 Điều; và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương