Đặc sắc lễ hội đền Đồng Nhân Nét độc đáo ở lễ hội làng cổ Bát Tràng Lễ hội làng Hậu: Nối dài truyền thống văn hóa làng cổ |
Làng Vân Hà (xưa có tên gọi là Yên Viên, tên tục gọi là làng Vân), huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cứ 4 năm lại mở hội Vật Cầu nước 1 lần - một lễ hội mang đậm tính lịch sử, độc đáo, vui vẻ, kịch tính và "độc nhất vô nhị" của làng.
Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân thời xưa, mang đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp.
Phụ nữ gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân cầu. Ảnh nongthonviet |
Theo các cụ già trong làng, đây là một trong những giá trị văn hóa tâm linh mang đặc trưng của nền văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội “độc nhất vô nhị” này thu hút rất đông du khách.
Vật cầu là một trò chơi dân gian độc đáo thường được tổ chức trong những ngày hội xuân, hội làng, gắn liền với tín ngưỡng cầu may, cầu lộc, cầu tài của người xưa. Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai - niềm mong mỏi hàng đầu của cư dân nông nghiệp.
Hội được tổ chức tại đền Chính (nơi thờ đức Thánh Tam Giang Trương Hống và Trương Hát -hai danh tướng có công giúp Triệu Việt Vương-Triệu Quang Phục dẹp giặc).
Lễ hội Vật cầu nước làng Vân. (Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang) |
Tục truyền rằng, khi xưa có vị thân mẫu sinh một lần được 5 người con (4 trai, 1 gái), đặt tên là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy, người con gái tên Mỹ Đạm. 5 người con của bà có dung mạo khác thường, khí chất hiển lộ. Khi đất nước lâm nguy, Triệu Việt Vương rút quân rời bỏ kinh thành về đầm Dạ Trạch lánh nạn, anh em họ Trương liền ra tay giúp nước.
Sau khi đại thắng trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen quấy phá, hai bên xung trận với giao ước, ai thắng sẽ được thưởng, ai thua, sẽ phải quy phục. Bọn quỷ đen thua trận, quy hàng các đại tướng. Từ đó trở đi, dân làng Vân mở hội vật cầu nước (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của Đức Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ và mừng chiến thắng của các Ngài. Các thế hệ người làng Vân đã gìn giữ và lưu truyền điển tích này từ thế kỷ thứ 6 cho tới ngày nay.
Lễ hội Vật cầu nước làng Vân. (Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang) |
Lễ hội vật cầu nước được tổ chức trên sân chính của đền thờ Thánh Tam Giang, có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống.
Bùn ở đây được kiểm tra kỹ càng, nước không được quá nhiều (sẽ bị ướt), hoặc quá ít (sẽ bị khô). Nước đổ vào sân Đền cũng phải là nước sông Cầu do hai hoặc bốn cô gái nết na, chưa chồng, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chum rượu gốm Thổ Hà.
Đây còn là trò chơi mang nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Quả cầu tượng trưng cho mặt trời, cướp cầu cũng có nghĩa là cướp được năng lượng mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai tươi tốt, đó là niềm mong mỏi hàng đầu của cư dân nông nghiệp.
Theo thông lệ xưa, hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức theo điều lệ và quy ước của làng. Ảnh nongthonviet |
Cầu tượng trưng cho mặt trời. Sân cầu gồm hai lỗ: Một lỗ bên Đông (nơi mặt trời mọc) và một lỗ bên Tây (nơi mặt trời lặn). Ngoài ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, tài trí và vui chơi ngày xuân, trò chơi cướp cầu còn mang nhiều ý nghĩa khác, bởi quan niệm cướp được cầu là cướp được năng lượng mặt trời, cướp được vận may về cho dân làng, để cho lúa khoai tươi tốt, cho mùa màng bội thu, cho dân an vật thịnh... Người dân quan niệm làng nào cướp được cầu năm đó thì có nhiều may mắn, niềm vui nên các trận cầu thường diễn ra sôi nổi, quyết liệt, mọi người ai cũng quyết giành lấy vận may.
Các thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật cầu được gọi là "quan cầu". Họ được chia làm hai giáp (mỗi giáp tám người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Trước khi ra sân đấu, các "quan cầu" phải vào đền Thánh làm lễ, họ được uống bát rượu trắng và ăn dưa hấu và xuống sân ra mắt khán giả. 16 quân cầu xếp thành 4 hàng, hai bàn tay đan vào nhau đặt trước bụng, rồi giơ lên ngang tầm mắt, đặt ở trước trán, cúi sát đất, quỳ gối, phủ phục lễ thánh.
Sau đó chuyển thành vòng tròn, tay trái giữ bụng, tay phải giơ cao đi vòng quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô "hí hạ, hứ hẹ", tỏ rõ sự vui mừng phấn khởi, tinh thần thượng võ. Khi ông chủ tế vừa gieo cầu xuống sân, cũng là lúc trai hai giáp trong bộ dạng cởi trần đóng khố nhảy ào vào tranh cướp cầu giữa bùn đất lấm lem, ai cũng quyết giành vận may. Cứ như vậy họ tranh tài quyết liệt trong vòng 3 ngày, mỗi ngày đánh 1 trận, mỗi trận 2 giờ đồng hồ.
Theo ông chủ tế, mặc dù quyết liệt là vậy nhưng để theo đúng nghĩa đây là trò chơi mang tính cầu mùa, cầu hòa thuận nên ban tổ chức đã quán triệt các quân cầu không được xích mích, va chạm thái quá. Trận đấu càng lúc càng hay, cầu rơi xuống đất thì lập tức có quân cầu xúm đến bốc dựng lên đỉnh đầu, và cuộc giằng co hào hứng, không ít khán giả cuồng nhiệt nhảy cả vào sân cầu để được đằm mình trong vũng bùn bốc mùi khai khái.
Điều đặc biệt mà các trai đinh tham gia đánh cầu kể rằng, mặc dù toàn thân, mặt mũi bám đầy bùn đất nhưng bao đời nay chưa ai bị đau mắt, quả cầu sau khi thấm nước nặng hơn chục kg nhưng chưa khi nào rơi trúng chân người chơi. Sau mỗi trận đánh quần quật như vậy không những không ai bị ốm mà họ càng cảm thấy thêm hưng phấn, vui vẻ. Khán giả đứng xem trên bờ cũng bị bùn vấy bẩn hết người, nhưng tất cả đều vui vẻ, xem đó là một điềm may mắn.
Kết thúc trận đấu đội nào đưa được càng nhiều cầu vào lỗ cầu của đội mình là thắng cuộc và được nhận phần thưởng, đồng thời theo quan niệm của nhân dân thì giáp nào có đội thắng cuộc sẽ gặp được nhiều may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, giàu sang, thịnh vượng.
Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội Vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh.
Mỗi lần mở hội, lễ hội lại thu hút hàng nghìn du khách thập phương tham dự, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nét độc đáo đó mà lễ hội Vật cầu nước làng Vân đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 63/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lê Nguyệt
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|