Hội thảo khoa học giới thiệu, kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ

(Banker.vn) Ngày 17/8/2023, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo Khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Hoàn thiện công cụ chính sách tiền tệ nhằm từng bước chuyển dịch cơ chế điều hành theo khối lượng sang điều hành theo giá tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc NHNN; đại diện một số NHTM; đơn vị nghiên cứu…
Ngày 17/8/2023, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo Khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Hoàn thiện công cụ chính sách tiền tệ nhằm từng bước chuyển dịch cơ chế điều hành theo khối lượng sang điều hành theo giá tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc NHNN; đại diện một số NHTM; đơn vị nghiên cứu…
 
 
Quang cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN, Nguyễn Thị Hiền cho biết, chính sách tiền tệ (CSTT) là một bộ phận của chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước, là công cụ quản lý kinh tế vĩ mô theo đuổi mục tiêu chung là ổn định, thúc đẩy tăng trưởng. Fed đã đưa ra 6 mục tiêu cơ bản của chính sách tiền tệ: Tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, tạo công ăn việc làm, ổn định lãi suất, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định thị trường tài chính.

Bà Hiền cho biết thêm, với 3 khuôn khổ chính sách tiền tệ chủ yếu: Điều hành theo giá, theo khối lượng, theo mục tiêu lạm phát thì tùy theo tình hình cụ thể các quốc gia sẽ lựa chọn khuôn khổ chính sách tiền tệ phù hợp nhằm đạt được mục tiêu mong muốn.

Trình bày tính cấp thiết đề tài nghiên cứu, Chủ nhiệm đề tài ThS. Dương Thị Thanh Bình Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, khủng hoảng và bất ổn kinh tế thời gian qua đã cho thấy vai trò quan trọng của CSTT trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Đa số Ngân hàng Trung ương ( NHTW) các nước hiện nay đã điều hành CSTT theo giá nhằm duy trì ổn định kinh tế và hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của hệ thống tài chính, tiền tệ. Trong đó, việc thiết lập, bổ sung và hoàn thiện các công cụ CSTT là một nhiệm vụ được các NHTW ưu tiên thực thi.

Chủ nhiệm đề tài ThS. Dương Thị Thanh Bình Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu của Đề tài

Tại chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 đã định hướng đổi mới khung khổ CSTT theo hướng chuyển dần từ điều hành theo khối lượng sang điều hành theo giá; sử dụng công cụ gián tiếp, tiến tới dỡ bỏ dần các biện pháp hành chính về lãi suất khi điều kiện cho phép.

Trong lộ trình chuyển sang điều hành CSTT theo giá, các công cụ CSTT cần được hoàn thiện, thiết kế nhằm nâng cao hiệu lực tác động nhằm đặt được mục tiêu CSTT.

Chủ nhiệm đề tài cho biết thêm, mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Nghiên cứu hoàn thiện công cụ CSTT nhằm từng bước chuyển dịch từ cơ chế điều hành theo khối lượng sang điều hành theo giá tại Việt Nam. Mục tiêu cụ thể: Xây dựng khung lý luận về các công cụ CSTT gắn với điều hành CSTT theo lượng và giá trong bối cảnh chuyển đổi điều hành từ khối lượng sang giá; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Phân tích, đánh giá thực tiễn điều hành các công cụ CSTT trong quá trình chuyển đổi cơ chế điều hành CSTT từ khối lượng sang giá của NHNN và các điều kiện cần. Đề xuất giải pháp và lộ trình hoàn thiện các công cụ CSTT nhằm chuyển dịch từ điều hành khối lượng sang giá.

Tại hội thảo các đại biểu đã trao đổi một số vấn đề từ kết quả đề tài như: Phương pháp nghiên cứu; các công cụ và hệ thống mục tiêu của CSTT; thực trạng sử dụng các công cụ CSTT của NHNN; giải pháp hoàn thiện các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN nhằm chuyển dịch từ cơ chế điều hành theo khối lượng sang điều hành theo giá…

Theo sbv.gov.vn
Theo: Tạp chí Ngân hàng