Hội thảo khoa học: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

(Banker.vn) Chiều ngày 27/3/2024, tại Thành phố Hải Dương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tỉnh ủy Hải Dương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Chiều ngày 27/3/2024, tại Thành phố Hải Dương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tỉnh ủy Hải Dương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
 
 
GS.,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; đồng chí Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và Tỉnh ủy Hải Dương; Tỉnh ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Tuyên Quang; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Lương Bằng, cùng đông đảo các đại biểu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, Hội thảo khoa học: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” là hoạt động thiết thực để góp phần tri ân cuộc đời cách mạng cao đẹp và những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 02/4/1904, trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng), huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Đồng chí là đảng viên lớp đầu tiên thời dựng Đảng, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, được Đảng tin tưởng, giao nắm giữ nhiều trọng trách, như: Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trọn cuộc đời đồng chí Nguyễn Lương Bằng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, “tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt”. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, tri ân công lao và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng với Đảng và Cách mạng Việt Nam, đã có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều cuốn sách đã được tổ chức nghiên cứu, biên tập, xuất bản làm sáng rõ nhân cách tốt đẹp, sáng ngời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng qua những chặng đường hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách và hy sinh to lớn.

Các đại biểu dự Hội thảo

Hội thảo hôm nay một lần nữa sẽ tiếp tục khẳng định, làm rõ thêm những đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và quê hương Hải Dương. Đây sẽ là những dữ liệu lịch sự hết sức quý báu của Đảng và là tài liệu quan trọng để Hải Dương và các tỉnh nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng hoạt động dùng làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; từ đó khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu quê hương, yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ hội nhập và phát triển.

Ban tổ chức Hội thảo và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, tỉnh Hải Dương - quê hương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và của nhiều nhà khoa học. Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024), nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, góp phần tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, là dịp để thể hiện sự tri ân sâu sắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hải Dương.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham luận về nội dung đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng quốc gia Việt Nam.
Ảnh: Báo Hải Dương

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN đã có tham luận về “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Thống đốc cho biết, sau Cách mạng Tháng Tám, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là phải từng bước xây dựng nền tiền tệ và hệ thống ngân hàng độc lập tự chủ. Nhiệm vụ đó ngày càng trở nên cấp thiết khi công cuộc kháng chiến chống Pháp tiến triển mạnh mẽ với những chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường. Sự chuyển biến của cục diện cách mạng đòi hỏi công tác kinh tế, tài chính phải được củng cố và phát triển theo yêu cầu mới. Trước tình hình đó, ngày 6 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ chính là: “Nắm vững hai việc chính là phát hành giấy bạc và quản lý kho bạc, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất. Phối hợp với Mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch”. Sự thành lập của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới, thay đổi về chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta.

Nhận rõ vị trí hết sức quan trọng của Ngân hàng Quốc gia, Trung ương Đảng đã chọn một số lượng lớn đảng viên và cán bộ chính trị để điều động sang phụ trách ngân hàng. Với năng lực và kinh nghiệm của người đầu tiên được Đảng giao thực hiện nhiệm vụ phụ trách tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Nam từ năm 1947 đến năm 1951, Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Trung ương Đảng tin tưởng, giao trọng trách làm Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dành nhiều sức lực và tâm trí vào việc xây dựng nền móng tổ chức vững chắc cho hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, trên ba nội dung chính:

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức, Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng tổ chức bộ máy Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thống nhất gồm 3 cấp gồm Ngân hàng Trung ương, 4 ngân hàng khu và ngân hàng các tỉnh là đơn vị cơ sở.

Thứ hai, về xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, Đồng chí đặc biệt sát sao việc lựa chọn những cán bộ vững vàng về chính trị, có hiểu biết và khả năng quản lý tài chính, ngân hàng từ cấp trung ương đến địa phương; tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo về chính sách kinh tế, nghiệp vụ ngân hàng cho cán bộ. Đồng chí đã trực tiếp tổ chức, giảng bài cho lớp học đầu tiên về ngân hàng tại Chiến khu Việt Bắc với các nội dung kiến lập ngân hàng, đấu tranh tiền tệ với địch và phát hành giấy bạc ngân hàng.

Thứ ba, về quản lý điều hành, Đồng chí tổ chức xây dựng hệ thống kho tàng, đảm bảo công tác an toàn kho quỹ; xây dựng chế độ quản lý nghiệp vụ kho quỹ, kế toán thanh toán, tín dụng; tổ chức triển khai hoạt động đấu tranh tiền tệ trong vùng địch hậu; xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ.

Hơn nữa, có thể nói, trong những ngày đầu sau khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập, trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn và phải bắt tay ngay vào việc ổn định mô hình tổ chức, xây dựng mới cơ chế chính sách, nghiệp vụ hoạt động ngân hàng, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp đang gay go quyết liệt, nhưng với năng lực, trình độ, kinh nghiệm hiểu biết sâu sắc về tài chính - ngân hàng của người đứng đầu, trong một thời gian ngắn, cả hệ thống được hình thành đi vào hoạt động, phát huy ngay vai trò của Ngân hàng Quốc gia.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thấm nhuần chủ trương của Nhà nước Việt Nam mới, Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nêu cao ý thức cho các cán bộ trong Ngành về vai trò của đồng tiền vững mạnh và giá trị của lòng tin Nhân dân đối với đồng tiền cách mạng. Theo đó, công tác phát hành giấy bạc ngân hàng, thu hồi giấy bạc tài chính và đấu tranh tiền tệ với địch đã được triển khai mạnh mẽ. Chỉ một tháng sau khi thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, giấy bạc ngân hàng đã được phát hành và nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng. Giấy bạc ngân hàng theo cán bộ địch hậu đi sâu vào vùng địch tạm chiếm đã đẩy lùi giấy bạc Đông Dương, khẳng định chủ quyền tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý phát hành, tổ chức điều hòa lưu thông tiền tệ, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã chú trọng phát triển tín dụng ngân hàng để thúc đẩy tăng gia sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa, nghiên cứu, vận dụng các giải pháp thiết thực cho nhân dân có đủ vốn để phát triển sản xuất, giúp công thương nghiệp mở mang kinh doanh, góp phần giải quyết nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc.

Có thể thấy, tại thời điểm ban đầu khi thành lập, mọi việc đều mới mẻ, cơ sở vật chất của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam hầu như không có gì, nhưng các đồng chí lãnh đạo và cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ đã hăng hái lao vào xây dựng tổ chức, vừa làm vừa học, nhanh chóng đưa các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam vào cuộc sống theo yêu cầu của công cuộc kháng chiến kiến quốc. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Ban lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, trực tiếp là Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã dần vượt qua khó khăn, khẳng định vị trí, vai trò của mình, góp phần to lớn vào những thành tựu quan trọng của ngành Ngân hàng trong thời kỳ này như: (i) Phát hành thành công giấy bạc Ngân hàng, thu hồi giấy bạc Tài chính, thiết lập chế độ tiền tệ mới, từ đó củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của nước nhà; (ii) Tổ chức phát hành tiền và quản lí lưu thông tiền tệ, đấu tranh đẩy lùi lạm phát nhằm củng cố sức mua của đồng tiền; (iii) Thực hiện quản lý Kho bạc Nhà nước góp phần tăng thu, tiết kiệm chi, thống nhất quản lý thu chi ngân sách; (iv) Phát triển tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh; (v) Quản lí ngoại hối và đấu tranh tiền tệ với địch. Thành tựu này đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trên mặt trận kinh tế, tài chính, đóng góp quan trọng vào việc duy trì và phát triển kinh tế thời chiến, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, mặc dù thời gian phụ trách ngành Ngân hàng của Tổng Giám đốc Nguyễn Lương Bằng không lâu (từ năm 1951 đến năm 1952), nhưng Đồng chí đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ cán bộ, công chức ngân hàng. Sau này, khi đã đảm nhiệm nhiều trọng trách khác của Đảng và Nhà nước, Đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn luôn quan tâm, dành cho ngành Ngân hàng những tình cảm ân cần, sâu sắc. Năm 1976, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đồng chí đến thăm và căn dặn các cán bộ ngành Ngân hàng, trước bối cảnh tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới cần phải xây dựng một hệ thống ngân hàng xã hội chủ nghĩa lớn mạnh với đội ngũ cán bộ có đủ đạo đức và tài năng để phát huy chức năng phục vụ và giám sát các hoạt động kinh tế, làm cho ngân hàng thực sự trở thành một trung tâm tiền mặt, một trung tâm tín dụng, một trung tâm thanh toán, có tác dụng huy động mọi tiềm năng của các ngành, các đơn vị kinh tế nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quản lý, đưa nước nhà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, toàn thể cán bộ ngành Ngân hàng tưởng nhớ và tri ân người cộng sản kiên cường, bất khuất, người chiến sĩ tiên phong, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người trọn đời cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Kế thừa và phát huy những thành tựu vẻ vang, những giá trị cao đẹp của Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các vị lãnh đạo tiền bối, toàn ngành Ngân hàng đã và đang nỗ lực để đổi mới căn bản và toàn diện phương thức điều hành chính sách tiền tệ và tổ chức hoạt động kinh doanh ngân hàng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, và áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, hiện đại, thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò huy động và cung ứng vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Toàn thể cán bộ ngành Ngân hàng nguyện tiếp tục học tập và làm theo phong cách, đạo đức của Đồng chí, phát huy vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, đảng viên, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, phấn đấu xây dựng thành công một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và hùng cường.

Các tham luận cũng khẳng định, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.Trong lao tù đế quốc, đồng chí không quản ngại hy sinh, gian khổ; kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Khi chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khi thành lập Chính phủ liên hiệp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia. Khi giữ vị trí, chức vụ cao trong Đảng và Nhà nước, đồng chí luôn là tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm; sống khiêm tốn, giản dị, có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Đồng chí là tấm gương cao đẹp để mỗi chúng ta trân trọng, tri ân, học tập và noi theo.

Các tham luận tại Hội thảo cũng tập trung làm rõ nội dung: đồng chí Nguyễn Lương Bằng- Người con ưu tú của quê hương Hải Dương. Chính truyền thống tốt đẹp của quê hương là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng để hình thành nhân cách và chí hướng của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Lương Bằng. Sau này, trên bước đường công tác, đồng chí luôn dành cho quê hương những tình cảm tốt đẹp nhất, vẫn dành thời gian về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh.

Nhiều tham luận khẳng định, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Hải Dương luôn tự hào, ra sức học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các bậc tiên liệt, phấn đấu đưa Hải Dương đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Theo sbv.gov.vn
Theo: Tạp chí Ngân hàng