Hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

(Banker.vn) Ngày 24/4/2024, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.
Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh Tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn là rào cản với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hội thảo "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể" do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng đại biểu tham sự hơn 2.400 đại biểu.

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể và ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể đồng chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố, Hợp tác xã, tổ chức tín dụng.

Hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể
Hội thảo "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể" được tổ chức trực tuyến. Ảnh: HQ

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.

Ông Đặng Văn Thanh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 Liên hiệp hợp tác xã và 71.500 tổ hợp tác. So với năm 2022, tổng số hợp tác xã năm 2023 tăng 1.261 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã tăng 7 Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng 700 tổ hợp tác. Số Hợp tác xã thành lập mới năm 2023 là 2.986 hợp tác xã, bình quân 250 hợp tác xã thành lập mới/tháng.

Theo ông Đặng Văn Thanh, dù có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, song số lượng các hợp tác xã tiếp cận các chính sách của Nhà nước đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít; tiêu chí hợp tác xã thụ hưởng còn chưa phù hợp, thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương, không xuất phát từ nhu cầu, năng lực của các hợp tác xã; chưa có cơ chế đặc thù cho các hợp tác xã trong việc sử dụng ngân sách, gây khó khăn trong triển khai.

Về phía hợp tác xã, ông Nguyễn Hữu Hạ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Công bằng Thuận An, tỉnh Đăk Nông cũng chia sẻ, hiện nay các quy định cho vay chặt chẽ của ngân hàng khiến hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn. "Hợp tác xã Thuận An có giá trị tài sản chung hơn 10 tỷ đồng nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn do thủ tục phức tạp, rườm rà" - ông Hạ nói.

Vì vậy, tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hạ kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan, các ngân hàng thương mại giảm bớt thủ tục hành chính cho vay, như địn giá tài sản, vay lưu động giải ngân linh động, vay dự trữ lưu kho, ưu tiên cho vay đố với các hợp tác xã đang kinh doanh hiệu quả, đúng bản chất hợp tác xã....

Thừa nhận thực tế, trong những năm qua, hợp tác xã tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết.

Trong đó, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chỉ rõ, hiện tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; một bộ phận lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hợp tác xã còn khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, hiện khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng của kinh tế tập thể chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các hợp tác xã chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng. Do đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với hợp tác xã kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật Hợp tác xã có hiệu lực từ 1.7.2024, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển Hợp tác xã, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước.

Hội thảo Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể
Thông qua hội thảo đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Ảnh: HQ

Thời gian qua, để hỗ trợ hợp tác xã phát triển, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang triển khai nhiều chính sách tín dựng ưu đãi của Nhà nước trong đó Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, trong đó: Tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng (cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc đạt 3,28 triệu tỷ đồng); cho vay không có tài sản đảm bảo đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (Cho vay không có tài sản đảm bảm trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với 31/12/2023. Các hợp tác xã không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là Hợp tác xã là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Những năm qua, bám sát chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, Ngân hàng Nhà nước đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với khu vực kinh tế này.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên rà soát để không ngừng hoàn thiện quy định về hoạt động cho vay, trong đó loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã được bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng; Ngân hàng nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Ngoài các chính sách ưu đãi thực hiện tại các Ngân hàng thương mại, các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã còn được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua khoảng 28 chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Thanh Tùng thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tínn dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản, thông thoáng, giảm bớt phiền hà cho khách hàng trên cơ sở đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định pháp luật; giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ; Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng 2024 và để tháo gỡ và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đặc biệt "Tiếp tục đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN sau ngày 30/6/2024, đến hết 31/12/2024 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống"- bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục