Hội nghị triển khai Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ

(Banker.vn) Ngày 27/10/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh dưới sự chủ trì của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng; Kiểm toán Nhà nước; các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố; các ngân hàng thương mại.
Ngày 27/10/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh dưới sự chủ trì của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng; Kiểm toán Nhà nước; các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố; các ngân hàng thương mại.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát duy trì ở mức cao. Giá hàng hóa, năng lượng, lương thực thế giới biến động khó lường cùng với diễn biến địa chính trị phức tạp. Các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng và duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát. Ở nước ta, mặc dù kinh tế có một số dấu hiệu khởi sắc nhưng khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023.

Trước bối cảnh trên, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Đối với hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; tỉ giá được điều hành hợp lí. Tuy nhiên, những vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù được quyết liệt xử lí nhưng chưa triệt để, do đó, hoạt động ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn.

Thời gian qua, NHNN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế: NHNN là đầu mối tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; phối hợp với các bộ, ngành để khảo sát, khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ trong quá trình triển khai. Đồng thời, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các tổ chức tín dụng cũng giảm lãi suất cho vay. Theo Thống đốc, thống kê cho thấy đối với các khoản cho vay mới đã giảm 2,2% so với cuối năm 2022 để tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trước những yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã chỉ đạo có gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản và gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực thủy sản từ chính nguồn lực của các ngân hàng. 
 
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã báo cáo tình hình tăng trưởng tín dụng và tình hình thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng. Các báo cáo đều nêu rõ, để thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, theo đó đã tập trung: (i) Điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng; (ii) Điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; (iii) Điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; (iv) Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng; (v) Chủ động triển khai nhiều giải pháp, chương trình tín dụng cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; (vi) Đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng... Với sự triển khai quyết liệt và nỗ lực của NHNN và ngành Ngân hàng, đến nay dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,78% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5/2023 trở lại đây đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỉ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tham gia phát biểu, trao đổi, thảo luận tập trung vào các nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm so với cùng kì những năm trước; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai và đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và đẩy mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, với sự nỗ lực, vào cuộc của NHNN và hỗ trợ tích cực của các tổ chức tín dụng, hoạt động cấp tín dụng đối với nền kinh tế đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp, việc cung ứng và hấp thụ vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước dự báo tiếp tục đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức, doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn này rất cần các chính sách tháo gỡ, hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành để vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trước tình hình đó, Thống đốc NHNN yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo đơn vị triển khai hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nhiệm vụ chung

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Thông báo 247/TB-NHNN ngày 10/8/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN.

Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể

Đối với các đơn vị thuộc NHNN Trung ương

(1) Vụ Chính sách tiền tệ đầu mối bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; trong đó chú trọng phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lí, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất đã đề ra và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng.

(2) Vụ Tín dụng các ngành kinh tế theo dõi sát tình hình triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP), các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lí các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Hướng dẫn, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

(3) Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và Vụ Chính sách tiền tệ:

- Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư, văn bản quy định có liên quan (nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm 2023) để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (nếu cần thiết) nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, cũng như đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách khuyến khích tín dụng vào các dự án khả thi, các doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng; quy định về thủ tục cho vay để đảm bảo thông thoáng (nếu cần thiết).

(4) Vụ Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về các chủ trương, chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và của Ngành để người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin và cách thức tiếp cận vốn vay của các chương trình, chính sách này.

(5) Các đơn vị thuộc NHNN đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

(6) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh, đại lí bảo hiểm của các tổ chức tín dụng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lí nghiêm các vi phạm (nếu có).

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố

(1) Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu vốn thực của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn và chỉ đạo, định hướng các tổ chức tín dụng chủ động cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay.

(2) Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc triển khai các chủ trương, chính sách về giảm lãi suất, miễn, giảm phí, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc bán, triển khai đại lí bảo hiểm của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lí trường hợp tổ chức tín dụng không thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách hoặc phát sinh vi phạm (nếu có).

(3) Phối hợp với các tổ chức tín dụng; cơ quan truyền thông của Ngành và địa phương tăng cường công tác truyền thông, thông tin rộng rãi, đầy đủ, rõ ràng về hoạt động ngân hàng trên địa bàn, các chương trình, chính sách tín dụng của Nhà nước, các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu tiên, ưu đãi của tổ chức tín dụng để người dân, doanh nghiệp biết và tiếp cận chính sách.

Đối với các tổ chức tín dụng

(1) Tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 1,5 - 2%) đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu, cắt giảm phí, lệ phí không cần thiết và tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng. Công khai các loại phí đối với khách hàng liên quan đến các hoạt động tín dụng, thanh toán và dịch vụ tiền tệ khác.

(2) Chủ động, tích cực hơn trong tham gia thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó:

- Tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản và tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Trong đó, ngân hàng thương mại nhà nước cần phát huy tốt vai trò chủ lực; các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia tích cực, sáng tạo trong triển khai các chính sách này.

- Tích cực triển khai các gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

(3) Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lí bảo hiểm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lí bảo hiểm, đại lí phát hành trái phiếu, các hoạt động cung ứng dịch vụ khác liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

(4) Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ, chính sách hỗ trợ đối với khách hàng và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao sự hiểu biết và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội. Đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách của ngân hàng để khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin về chương trình, sản phẩm cho vay của khách hàng, cũng như cách thức tiếp cận vốn.

(5) Đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lí nếu vượt thẩm quyền.

(6) Chủ động phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của tổ chức tín dụng.
 
Bảo Ly
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục