Hội nghị Sơ kết triển khai Đề án số 06 và Kế hoạch phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an

(Banker.vn) Ngày 23/7/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị Sơ kết triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06) và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 giữa NHNN và Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 (Kế hoạch số 01).
Ngày 23/7/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị Sơ kết triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06) và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 giữa NHNN và Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 (Kế hoạch số 01).

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công an, có Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06); Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an và các đồng chí đại diện lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Cục An ninh kinh tế, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Về phía NHNN, có đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN; đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN: Vụ Thanh toán; Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Cục Phòng, chống rửa tiền; Cục Công nghệ thông tin; Văn phòng NHNN; Vụ Truyền thông; Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC); đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) và trung gian thanh toán…
 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN cho biết, trong hai năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã coi Đề án số 06 là đột phá, là nhiệm vụ then chốt, quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tại Đề án số 06, NHNN được giao nhiệm vụ “phối hợp với Bộ Công an kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát triển và sử dụng các ứng dụng trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNeID trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản... tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và phục vụ các hoạt động chỉ đạo, điều hành của NHNN”. Ngành Ngân hàng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định và rất kỳ vọng là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Do đó, thời gian qua, NHNN đã quán triệt, chủ động phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai các mục tiêu, giải pháp đề ra tại Đề án số 06 và những nỗ lực này của ngành Ngân hàng đã được hiện thực hóa qua Kế hoạch số 01. Với 11 đầu việc lớn và 35 đầu việc cụ thể đã được chi tiết hóa từng nội dung công việc, phân công đơn vị đầu mối và các đơn vị phối hợp, có thời hạn hoàn thành cụ thể, Kế hoạch số 01 đã đóng vai trò là kim chỉ nam để các đơn vị trong ngành Ngân hàng tổ chức triển khai. Đến nay, về cơ bản các đầu mục nhiệm vụ tại Kế hoạch số 01 đều đã được triển khai theo tinh thần, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an và NHNN, tập trung vào các nội dung như: Làm sạch thông tin dữ liệu khách hàng, ứng dụng căn cước công dân gắn chíp, tài khoản VNeID trong xác minh, nhận biết thông tin khách hàng... 

Ngành Ngân hàng đã phối hợp với C06, Bộ Công an thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của 56,6 triệu hồ sơ khách hàng vay tại CIC và làm sạch được hơn 2,5 triệu hồ sơ khách hàng tại các TCTD; đồng thời đã kết nối kỹ thuật và hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Triển khai Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN, NHNN cũng đã hoàn thành việc thực thi toàn bộ đối với 29/30 thủ tục hành chính. Các đơn vị trong ngành Ngân hàng cũng đang tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, tính đến ngày 22/7/2024, đã xác thực được dữ liệu sinh trắc học của gần 26 triệu khách hàng qua căn cước công dân gắn chíp.
 

Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN Phạm Anh Tuấn báo cáo tình hình triển khai Đề án số 06 và Kế hoạch số 01
 
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN Phạm Anh Tuấn báo cáo tình hình triển khai Đề án số 06 và Kế hoạch số 01. Theo báo cáo, Thống đốc NHNN đã ban hành hàng loạt các kế hoạch, chỉ thị về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án số 06. NHNN cũng thường xuyên có những chỉ đạo trong toàn Ngành về việc triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chíp, tài khoản VNeID… phục vụ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Bên cạnh đó, NHNN đã hoàn thành kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức từ ngày tháng 12/2022 cho dịch vụ công của NHNN; chuẩn hóa mẫu đơn, tờ khai, thiết lập biểu mẫu điện tử tương tác của dịch vụ cấp chứng thư số cho cá nhân là người Việt Nam từ tháng 3/2023; ban hành quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc; nâng cấp Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử NHNN đáp ứng quy định mới của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và quy định khác liên quan; cập nhật, bổ sung các tính năng kỹ thuật của hệ thống một cửa điện tử của NHNN, cho phép số hóa hồ sơ đề nghị và kết quả xử lý thủ tục hành chính…

Về kết quả triển khai Kế hoạch số 01, CIC đã phối hợp với C06, Bộ Công an thực hiện 6 đợt rà soát, đối chiếu dữ liệu theo phương thức offline khoảng 57 triệu hồ sơ khách hàng vay; đang trao đổi với C06, Bộ Công an để hoàn thiện các thủ tục kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ký Phụ lục bổ sung hợp đồng quy định chi tiết về khai thác sản phẩm online. NHNN cũng đã kết nối kỹ thuật và hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, hiện đang thực hiện các thủ tục kiểm tra an toàn, bảo mật hệ thống trước khi chính thức kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, đã có 25 TCTD và 3 trung gian thanh toán gửi dữ liệu cho C06, Bộ Công an theo phương thức offline để làm sạch với số lượng gần 2,5 triệu hồ sơ khách hàng đã gửi và nhận được phản hồi. Đồng thời, đến hết ngày 22/7/2024, đã có 26,3 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chíp, trong đó: 47 TCTD đã triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy với hơn 3,8 triệu hồ sơ khách hàng đã được thu thập, đối chiếu; 37 TCTD và 20 trung gian thanh toán đã triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng Mobile App với hơn 22,5 triệu hồ sơ khách hàng đã được thu thập, đối chiếu. Bên cạnh đó, 22 TCTD và 13 trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 3 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm: Mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng. Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng đầu tiên đã Go Live với hơn 600.000 hồ sơ tài khoản.
 

Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an
phát biểu kết luận tại Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an nêu ra 3 kết quả nổi bật trong công tác phối hợp giữa lực lượng công an và ngành Ngân hàng trong thời gian qua: Thứ nhất, có sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành Ngân hàng về chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử trong hoạt động tài chính - ngân hàng. Chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn bám sát chiến lược của Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm của Đề án số 06, Kế hoạch số 01, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, gắn kết chặt chẽ ứng dụng, phát triển ứng dụng và đảm bảo an ninh an toàn, góp phần giảm thiểu rủi ro của ngành tài chính và chung tay phòng, chống tội phạm. Điều này là nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong NHNN, đặc biệt là của đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN. Thứ hai, đã có sự tích cực phối hợp, tham gia hiệu quả chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực an sinh - xã hội. Đã có nhiều TCTD thực hiện liên kết giữa tài khoản an sinh - xã hội và tài khoản ngân hàng. Bước đầu triển khai chi trả an sinh xã hội cho hàng nghìn tài khoản, tạo cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong thời gian tới. Thứ ba, việc quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của NHNN không chỉ lan tỏa trong nội bộ ngành Ngân hàng mà còn thúc đẩy nhận thức của những ngành, nghề khác về chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử gắn với hoạt động kiểm soát rủi ro, phòng, chống rửa tiền, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
 

Toàn cảnh Hội nghị
 
Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, trong thời gian tới, NHNN và Bộ Công an cần tiếp tục tập trung các nội dung sau:

Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ vào Kế hoạch số 01 cho phù hợp với tình hình thực tiễn và chiến lược phát triển, vẫn tập trung vào 5 nguyên tắc của Đề án số 06: Pháp lý - hạ tầng - công nghệ - tạo lập dữ liệu - đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực để triển khai. Đặc biệt, bổ sung 3 nhiệm vụ, lộ trình trọng tâm như: Đảm bảo 100% dịch vụ xác thực sinh trắc học của các TCTD, trung gian thanh toán, ví điện tử được thực hiện thông qua hệ thống xác thực điện tử theo yêu cầu Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, hoàn thành trong năm 2024; thúc đẩy ứng dụng dữ liệu dân cư thực hiện đánh giá mức độ khả tín khách hàng vay, giảm thiểu “tín dụng đen”, người dân được tiếp cận nguồn vốn chính thống, giá rẻ; nghiên cứu, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để góp phần ứng dụng công nghệ, dữ liệu đối với hoạt động tài chính, đặc biệt các giải pháp công nghệ sử dụng những kết quả từ Đề án số 06.

Hai là, tiếp tục quan tâm triển khai mạnh mẽ Đề án số 06, trong đó có 4 nhiệm vụ như sau: (i) Phải hoàn thiện thể chế, đồng bộ giữa các luật của ngân hàng, thông tin về quản lý vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, các văn bản pháp luật về hoạt động thanh toán; (ii) Đẩy mạnh làm sạch, xác thực kết nối dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giảm thiểu tài khoản rác, ví điện tử rác, sớm làm sạch dữ liệu về phòng, chống rửa tiền; (iii) Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kết nối, cung cấp dữ liệu với cơ quan thuế, tiếp tục nâng cao hiệu quả chống thất thu thuế, nhất là với hoạt động thương mại điện tử; (iv) Xây dựng chiến lược ngành Ngân hàng đồng bộ với Chiến lược Dữ liệu quốc gia.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh mạng, bảo vệ các dữ liệu cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trọng tâm là phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin ngân hàng và hệ thống các TCTD, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức trong quá trình kết nối, chia sẻ, sử dụng thông tin phục vụ chuyển đổi số, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm trong lĩnh vực thanh toán nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.

Bốn là, đề nghị C06, Bộ Công an thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của NHNN kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch số 01, Đề án số 06 và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ sở pháp lý, chủ động trao đổi thông tin, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh.

Bảo Ly
Theo: Tạp chí Ngân hàng