Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Công Thương: Địa phương, Thương vụ kiến nghị gì?

(Banker.vn) Đại diện các địa phương và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển ngành Công Thương tại Hội nghị sơ kết 6 tháng.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 Thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm và 8 giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tập trung triển khai hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm

Điểm sáng của ngành Công Thương nửa đầu năm

Theo đánh giá của các địa phương và đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham dự hội nghị, lĩnh vực Công Thương đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế các địa phương trong những năm qua, cũng như nửa đầu năm 2023.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm 194.656 tỷ đồng, tăng 8,5% (cùng kỳ tăng 8,8%); chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; bình quân 6 tháng đầu năm CPI tăng 1,22%, thấp hơn cùng kỳ (tăng 3,25%) và đạt mục tiêu đề ra (dưới 4,5%).

Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Công Thương: Địa phương, Thương vụ kiến nghị gì?
Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Đáng chú ý, tăng trưởng GRDP được duy trì, tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản đầu năm. GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,97% - là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung – cầu và tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và vận tải hàng hoá tăng khá, tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 13,6%); khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 20,8% (cùng kỳ tăng 30,8%). Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD, dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022.

Tham luận tại hội nghị, ông Bùi Văn Kháng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước 6 tháng đầu năm 2023 tăng 9,46%, đứng thứ 4 trong cả nước và đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng.

Những kết quả tỉnh Quảng Ninh đạt được có sự đóng góp của ngành Công Thương và được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của Bộ Công Thương. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng 8,63% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 50,2% trong GRDP, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sản xuất công nghiệp và phát triển, ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV nhiệm kỳ 2020-2025 - Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh và bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau 02 năm đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1.300 triệu USD; lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư tập đoàn lớn, có năng lực, kinh nghiệm vào nghiên cứu, triển khai đầu tư như Tập đoàn TCL, Foxcon, Jinko Solar,...

Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Công Thương: Địa phương, Thương vụ kiến nghị gì?
Ông Bùi Văn Kháng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới được nối lại, đã thúc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 1,439 tỷ USD, tăng 12,69% so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm 12,1% so với cùng kỳ). Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16,64%, cao hơn 0,17 điểm % so với cùng kỳ; hạ tầng thương thương mại được quan tâm thu hút đầu tư, nguồn hàng hoá thiết yếu được đảm bảo.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và được công bố tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: 6 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt 10,94%, công nghiệp giữ vai trò là động lực tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Thương mại dịch vụ có mức phục hồi và phát triển toàn diện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 27 ngàn tỷ đồng, tăng 17,3%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 20 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

"Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử đạt kết quả tốt. Qua đó đã tiêu thụ thuận lợi hàng hóa của tỉnh và đặc biệt là vụ vải thiều năm 2023 vừa qua. Được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương, đã giúp cho việc tiêu thụ vải thiều đạt kết quả khá tốt. Đến thời điểm hiện nay, Bắc Giang đã tiêu thụ trên 90% sản lượng vải thiều" - ông Tuấn thông tin.

Số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, ước tính đến hết tháng 5/2023, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Hoa Kỳ đạt trên 40 tỷ USD. Theo ông Đỗ Ngọc Hưng - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, xét về xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Trong khối các nước ASEAN, Việt Nam chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối (xếp trên nước thứ 2 là Thái Lan với kim ngạch xuất khẩu 18,3 tỷ USD).

Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Công Thương: Địa phương, Thương vụ kiến nghị gì?
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ

"Qua số liệu thống kê, các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hoặc suy giảm tương ứng với các nhóm hàng mà Hoa Kỳ giảm nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2023. Trong 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ thì 6/10 nhóm hàng đạt tỷ trọng lớn từ 10% đến 27% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. Những yếu tố trên cho thấy về dài hạn Việt Nam tiếp tục là đối tác tin cậy của Hoa Kỳ trong thực hiện chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc" - ông Hưng nhận định.

Nhiều giải pháp với ngành Công Thương

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tập trung khai thác thị trường trong nước, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thành phố để liên kết vùng, giữ bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát; tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên địa bàn đến từng lĩnh vực cụ thể trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp đang triển khai trên địa bàn.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, theo Phan Thế Tuấn, Bắc Giang đã đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2023. Ông Phan Thế Tuấn đã đề nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm thực hiện đầu tư xây dựng trạm biến áp 220 kV Yên Dũng nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, bổ sung nguồn cấp cho khu vực vận tải, đáp ứng được chất lượng điện, nguồn điện sản xuất cho các khu vực trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02 và Nghị định số 114 về phát triển và quản lý chợ để đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng chợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình và đi chợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản công khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc xử lý tài sản công khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh các chợ.

Bên cạnh đó, đại diện các địa phương đề nghị hệ thống Thương vụ nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2023; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp cung cấp thông tin, kết nối đối tác xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam và nước ngoài.

Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin: Cùng với xu hướng chung của thị trường, hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm (giảm 2,6%) so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 4%. Tuy nhiên, so với các đối tác lớn của Trung Quốc, hiện Việt Nam xếp thứ 9 trong số 10 đối tác thương mại lớn của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thương mại Việt Nam – Trung Quốc nửa đầu năm 2023 duy trì sự ổn định trong bối cảnh khó khăn thách thức. Sự sụt giảm này do một số nguyên nhân, thứ nhất do sự phục hồi chậm từ chính thị trường Trung Quốc, sự cạnh tranh của các đối tác, trong đó, có hàng hóa của chính Trung Quốc sản xuất tác động đến nhập khẩu của thị trường này. Một số ngành hàng mặc dù có suy giảm như thủy sản. Năm 2022 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 thì nay tụt hạng xuống vị trí thứ 8 tuy nhiên, cũng có những mặt ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, trong đó có mặt hàng rau quả, gạo.

Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Công Thương: Địa phương, Thương vụ kiến nghị gì?
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023

Các chính sách của Trung Quốc tác động đến xuất khẩu của Việt Nam gồm: Lệnh 248, Lệnh 249, và những tháng gần đây tiếp tục nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc mở cửa thị trường cho một số nhóm hàng nông sản, như sầu riêng cho Philippines, dứa cho Malaysia, trái cây cho một số nước Tây Ban Nha,… tạo sự cạnh tranh ngày càng lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho hay, ngoài những chính sách tác động tiêu cực thì có các chính sách tác động tích cực đến hoạt động giao thương giữa 2 nước như tới đây, Trung Quốc sửa đổi, nâng cấp biện pháp quản lý thương mại biên giới.

Về vai trò của Thương vụ, ông Nông Đức Lai cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác mở cửa thị trường cho các loại trái cây và thủy sản sang thị trường này. Cụ thể, trái sầu riêng đông lạnh, bưởi, na và một số loại nông sản khác. Đồng thời, cập nhật thông tin tình hình thị trường, xúc tiến thương mại,… tạo điều kiện thuận lợi cho nông lâm thủy sản, hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục triển khai những kết quả đạt được cũng như chỉ đạo của Bộ Công Thương tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm giữa các cơ quan liên quan, đặc biệt DOC và USTR, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi; đồng thời vận động các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ không gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, thông tin tới hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại thị trường Hoa Kỳ, tiêu chuẩn công trình xanh, quan tâm đến người lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai chương trình giao thương, kết nối giao thương tại địa bàn Hoa Kỳ; xúc tiến để tiếp tục đưa các loại trái cây sang Hoa Kỳ như quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi và sắp tới là trái dừa chinh phục người tiêu dùng thị trường này.

Nhóm phóng viên

Theo: Báo Công Thương