Hội nghị quốc tế về Quản lý đường thở WAAM lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(Banker.vn) Hội nghị đồng diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc vào ngày 13 - 14/4 thu hút 600 chuyên gia đầu ngành tham dự.
Bác sĩ Việt thực hiện ca can thiệp tim mạch phức tạp, truyền hình trực tiếp tại hội nghị quốc tế Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam: Kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu Hội nghị quốc tế về chỉnh sửa gen trên cây trồng lớn nhất tại Việt Nam

Ngày 13/4, Hội nghị Quản lý đường thở WAAM 2024 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, với phần tham luận của 15 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu thế giới về gây mê hồi sức.

Hội nghị quốc tế về Quản lý đường thở WAAM lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: T.H)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đây là hội nghị khoa học có ý nghĩa thực tiễn đối với ngành y tế Việt Nam, với sự tham gia của các đơn vị tổ chức y tế trong và ngoài nước.

"Hội nghị cũng là cơ hội để các y, bác sĩ, các chuyên gia về gây mê hồi sức của Việt Nam được trao đổi chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới về quản lý đường thở, từ đó nâng cao kiến thức và tay nghề để tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Thông tin với bạn bè quốc tế, GS.TS Trần Văn Thuấn nêu rõ, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm bố trí nhiều nguồn lực đầu tư cho ngành y tế với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngành y tế đã gặt hái nhiều thành tích ấn tượng trong năm 2023. Số lượng bệnh viện giai đoạn 2011 - 2023 tăng dần qua các năm. Số bác sĩ trên 10.000 dân thực hiện đạt 12,5 bác sĩ năm 2023 (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao), số giường bệnh trên 10.000 dân thực hiện đạt 32 giường bệnh năm 2023 (đạt chỉ tiêu được Chính phủ giao), tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% năm 2023 (đạt chỉ tiêu Chính phủ giao).

GS. Trần Văn Thuấn phân tích, quản lý đường thở là yếu tố sống còn trong gây mê hồi sức. Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2022, tỷ lệ ca bệnh có đường thở khó trong gây mê chiếm đến 18%. Điều này cho thấy tầm quan trọng của đội ngũ gây mê hồi sức trong quản lý đường thở cho bệnh nhân và đây cũng là nội dung mà Bộ Y tế đang rất quan tâm trong những năm vừa qua.

Hội nghị quốc tế về Quản lý đường thở WAAM lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á
Các đại biểu tham dự tại hội nghị. (Ảnh: T.H)

Theo GS. Anil Patel, Đại diện Liên minh Thế giới về Quản lý đường thở (WAAM), có 2 loại đường thở khó là đường thở khó định trước và đường thở khó không định trước. Đường thở khó định trước được xác định trong quá trình khám mê, đánh giá tiếp cận đường thở, dựa trên các dấu hiệu tiên lượng, trong khi đó đường thở khó không định trước là những bệnh nhân nằm ngoài những yếu tố tiên lượng, và chỉ được xác định trong quá trình gây mê.

Do đó, việc phổ biến các kiến thức phân loại, phối hợp cả ê-kíp theo kế hoạch và xử trí với từng bệnh nhân có định trước hoặc không định trước chính là chìa khóa then chốt đảm bảo an toàn thông khí cho mọi ca bệnh.

Hội nghị WAAM 2024 diễn ra trong hai ngày 13-14/4, do Bệnh viện Hồng Ngọc và Bệnh viện Việt Đức phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, Liên minh Thế giới về Quản lý đường thở (WAAM) và tổ chức từ thiện Facing The World tổ chức.

Hội nghị với sự tham dự của 600 người, sẽ có khoảng 20 bài trình bày của các chuyên gia về gây mê trên thế giới và Việt Nam, đề cập đến các trường hợp cụ thể của đường thở khó như: Biến dạng hàm mặt, quản lý đường thở của u thanh quản, đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, hiệu quản dự trữ oxy, rút ống nội khí quản khó, đường thở khó ở trẻ em... và cách xử lý hiệu quả nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tử vong.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục