Hội nghị quốc tế phát huy giá trị UNESCO tại Ninh Bình: Tìm giải pháp cho phát triển bền vững

(Banker.vn) Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" sẽ được khai mạc vào sáng mai 3/7/2023 tại tỉnh Ninh Bình.
Việt Nam trúng cử Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ đa dạng văn hóa của UNESCO Tăng cường tuyên truyền về UNESCO và sự tham gia của Việt Nam

Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" được diễn ra từ ngày 2-4/7 . Theo đó, phiên khai mạc sẽ diễn ra vào sáng ngày 3/7 tại hội trường Khách xá Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm gồm: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; Và giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững. Cùng các chương trình tham quan thực địa tại khu du lịch sinh thái Tràng An, phố cổ Hoa Lư; các đại biểu cùng gặp gỡ, trò chuyện với cộng đồng cư dân địa phương.

Hội nghị quốc tế phát huy giá trị UNESCO tại Ninh Bình: Tìm giải pháp cho phát triển bền vững
Gần 10 năm Kể từ khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tràng An luôn được đánh giá hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Hội nghị do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của người dân; đưa ra các khuyến nghị bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tổ chức UNESCO, lãnh đạo Uỷ ban Quốc gia UNESCO của một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh, thành, địa phương có danh hiệu UNESCO, cùng 200 đại biểu là các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế.

Hội nghị sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là một đất nước nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa – thiên nhiên và giá trị truyền thống vì sự phát triển bền vững.

Việc tổ chức hội nghị cũng góp phần quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của tỉnh Ninh Bình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đẩy mạnh giữ gìn bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện công tác chuẩn bị cho hội nghị đã được hoàn tất cả về nội dung, công tác hậu cần. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất tại nơi tổ chức hội nghị, nơi lưu trú của đại biểu, công tác đón tiếp khách mời, xây dựng kịch bản hội nghị, tập luyện chương trình nghệ thuật, dàn dựng, lắp đặt sân khấu, trang trí khánh tiết, chương trình đón đại biểu tham quan... đã được đảm bảo chu đáo, an toàn.

Ngoài ra, các cơ quan, ngành chức năng đã tích cực triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, công tác phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và các hoạt động phụ trợ khác… Hội nghị cũng góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nâng tầm thương hiệu tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế của tỉnh và tiếp tục để lại ấn tượng tốt đẹp về một Ninh Bình thân thiện, giàu lòng mến khách với thế giới.

Cũng theo ông Bùi Văn Mạnh, bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị mà danh hiệu UNESCO mang lại, sự kiện lần này sẽ góp phần cho Ninh Bình nói riêng và các đô thị khác của Việt Nam cũng như các nước nói chung trong việc tìm các giải pháp, huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO bền vững.

Trong đó nhiều vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận như: Cơ chế, chính sách đặc thù trong phân loại đô thị, bảo đảm các đô thị là di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình “đô thị nén”, vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh; Cơ chế, chính sách đặc thù cho lựa chọn mô hình cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng đô thị di sản đủ khả năng loại trừ kiểu công nghiệp hóa cổ điển gây tổn thương cho di sản văn hóa, xung đột với bảo vệ môi trường sống; cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản; cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các đô thị di sản, từ các cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, thúc đẩy kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, khắc phục các mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển...

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương