Hoạt động thông tin báo cáo về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi - nhân tố góp phần bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

(Banker.vn) Hệ thống thông tin báo cáo không chỉ cung cấp dữ liệu đầu vào phục vụ triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi (BHTG), mà còn giúp cảnh báo sớm rủi ro tiềm ẩn tại tổ chức tham gia BHTG để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) chuẩn bị tài chính nếu phải chi trả bảo hiểm tiền gửi, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.
Hệ thống thông tin báo cáo không chỉ cung cấp dữ liệu đầu vào phục vụ triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi (BHTG), mà còn giúp cảnh báo sớm rủi ro tiềm ẩn tại tổ chức tham gia BHTG để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) chuẩn bị tài chính nếu phải chi trả bảo hiểm tiền gửi, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Trước khi có Luật BHTG, tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về BHTG (Nghị định số 89); Điều 17 Mục 4 Thông tư số 03/2006/TT-NHNN ngày 25/4/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 89 và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89 (Thông tư số 03) nêu rõ: “Tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm gửi đến BHTGVN các loại báo cáo theo quy định”. Ngoài ra, Điều 13 Nghị định số 89 và Điều 33 Mục 7 Thông tư số 03 cũng quy định việc chia sẻ thông tin giữa NHNN và BHTGVN.

Cụ thể, BHTGVN có trách nhiệm cung cấp cho NHNN các thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG; thông tin về việc chấp hành quy định về BHTG và an toàn hoạt động ngân hàng; kết quả phân loại, đánh giá các tổ chức tham gia BHTG theo định kì hoặc đột xuất. Ngược lại, NHNN có trách nhiệm cung cấp cho BHTGVN thông tin liên quan đến các tổ chức tham gia BHTG (kết quả thanh tra, giám sát; việc thành lập, thu hồi giấy phép hoạt động; đặt tổ chức tham gia BHTG vào kiểm soát đặc biệt…).

Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin và phối hợp giữa NHNN, các cơ quan liên quan và BHTGVN còn nhiều hạn chế. Theo đó, giai đoạn 2005 - 2009, BHTGVN nhận thông tin từ NHNN thông qua Cục Công nghệ tin học Ngân hàng (nay là Cục Công nghệ thông tin). Từ năm 2010 cho đến trước khi Luật BHTG được ban hành, BHTGVN không nhận thông tin báo cáo về tổ chức tham gia BHTG từ NHNN mà trực tiếp nhận từ tổ chức tham gia BHTG theo quyết định của BHTGVN.

Sau khi Luật BHTG được ban hành, hoạt động thông tin báo cáo đã có nhiều thay đổi. Luật quy định tổ chức BHTG thực hiện tổng hợp, phân tích và xử lí thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lí kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động của ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng (khoản 10 Điều 13).
Luật BHTG cũng quy định cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin giữa NHNN và BHTGVN. Theo đó, BHTGVN được phép tiếp cận dữ liệu thông tin của NHNN về tổ chức tham gia BHTG để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật. NHNN có trách nhiệm để tổ chức BHTG tiếp cận dữ liệu thông tin về tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ.

Cũng theo Luật BHTG, tổ chức BHTG theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; kiến nghị NHNN xử lí hành vi vi phạm. Trên cơ sở đó, từ năm 2013 đến nay, với việc thực hiện kiểm tra đầy đủ các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN đã phát hiện và kiến nghị NHNN xử lí các vi phạm quy định về BHTG; đồng thời, đề xuất cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lí và tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia BHTG phát triển an toàn, lành mạnh hơn.

Ngày 15/12/2017, BHTGVN đã ban hành Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm, trong đó yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG phải thực hiện báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm cho BHTGVN. Đây được coi là kênh kiểm soát bổ sung của BHTGVN, giúp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro đạo đức phát sinh trong hoạt động huy động tiền gửi.

Đối với các tổ chức tham gia BHTG hoạt động bình thường, Quy chế giúp có thêm kênh thông tin để kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về huy động tiền gửi, cũng như thuận lợi, chính xác trong việc tính và nộp phí BHTG. Đối với đơn vị gặp khó khăn, dẫn tới khả năng BHTGVN phải chi trả BHTG, Quy chế giúp xác định lượng tiền chi trả sát với thực tế, để BHTGVN chuẩn bị tài chính, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Những năm qua, BHTGVN đã tích cực triển khai Quy chế phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các chi nhánh BHTG khu vực để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tuyên truyền chính sách BHTG; qua đó, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên các địa bàn. Theo thông tin từ BHTGVN, đến nay, tổ chức này đã hoàn thành kí kết với 56/57 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động và đẩy mạnh tiến độ để sớm hoàn thành quy chế phối hợp với đơn vị còn lại.

Để triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG nhằm bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, BHTGVN cho biết việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thông tin báo cáo là một trong những ưu tiên hàng đầu, đồng thời là mục tiêu quan trọng được đặt ra tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, nâng cao chất lượng thông tin báo cáo phục vụ các nghiệp vụ mũi nhọn của BHTGVN như giám sát, kiểm tra sẽ giúp phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn tại các tổ chức tham gia BHTG, từ đó, BHTGVN thường xuyên đánh giá thực trạng của các tổ chức tham gia BHTG; dự báo trước khả năng chi trả bảo hiểm và chuẩn bị tài chính nếu tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản.

BHTGVN cũng sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá sự vận hành và hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo đảm bảo thông tin đầy đủ, đáng tin cậy; nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin giữa tổ chức BHTG với NHNN và các cơ quan có liên quan; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đồng bộ đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ, đáng tin cậy (bao gồm thông tin, dữ liệu nhận từ NHNN và cơ sở dữ liệu về tiền gửi được bảo hiểm).

BHTGVN cho biết, thời gian tới, sẽ phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Luật BHTG sửa đổi, bổ sung, trong đó quy định thêm các loại thông tin BHTGVN được tiếp cận để khai thác hiệu quả và có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức BHTG; đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, cung cấp đầy đủ thông tin về các tổ chức tham gia BHTG (bao gồm thông tin từ NHNN, tiền gửi được bảo hiểm, toàn bộ hồ sơ về tổ chức tham gia BHTG từ khi bắt đầu tham gia BHTG và toàn bộ quá trình giám sát hoạt động của tổ chức).

Diệu Thành
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục