Hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong bài toán chuyển đổi số: Người gửi tiền là trung tâm

(Banker.vn) Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ, giúp tiết kiệm chi phí lớn cho xã hội, người dân, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 110 triệu lượt người gửi tiền

Ngân hàng - một trong những mắt xích vô cùng quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia, có ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong xã hội. Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng cũng ngày càng có vai trò quyết định sự phát triển của các ngân hàng. Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã diễn ra mạnh mẽ, giúp tiết kiệm chi phí lớn cho xã hội, người dân, doanh nghiệp và góp phần đáng kể thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Trên 90% giao dịch ngân hàng được thực hiện trên kênh số

Theo thống kê từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, qua 4 tháng đầu năm 2024, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng đã cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành kế hoạch chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả tích cực: Trên 90% giao dịch của các ngân hàng thương mại được thực hiện trên kênh số, hơn 55% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa hoàn toàn và tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt 49%. Xu hướng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt chứng kiến sự bùng nổ với mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023, đặc biệt là phương thức thanh toán qua QR Code. Những kết quả tích cực từ sự đổi mới này đã thay đổi cách người dân, doanh nghiệp tương tác với ngân hàng, đồng thời mở ra những cơ hội mới và tạo ra một môi trường tài chính an toàn và tiện lợi.

Hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong bài toán chuyển đổi số: Người gửi tiền là trung tâm
Ảnh minh họa

Người gửi tiền là trung tâm trong tiến trình chuyển đổi số

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Với sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn đặt người gửi tiền làm trung tâm trong tiến trình chuyển đổi số chung của ngành ngân hàng, làm tiền đề bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thời gian vừa qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ. Bước đầu của tiến trình chuyển đổi số, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã ban hành các văn bản triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam...

Tại chuyên đề “Xu hướng chuyển đổi số và an toàn thông tin”, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với tiềm lực về nguồn tài chính, nhân sự, hệ thống cơ sở hạ tầng... đồng thời, xác định rõ chiến lược xây dựng tổ chức bảo hiểm tiền gửi số hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc biệt chú trọng cấu phần đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là an ninh mạng. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, phát triển và nhất quán thực hiện văn hóa số, trong đó có văn hóa ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu.

Với tôn chỉ “lấy người gửi tiền làm trung tâm”, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ưu tiên truyền thông chính sách Bảo hiểm tiền gửi gắn với nâng cao nhận thức về tài chính cộng đồng thông qua giáo dục và phổ biến kiến thức tài chính qua các nền tảng số để người gửi tiền nhận thức được tính tiện ích của các dịch vụ số hóa, đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, khuyến khích sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Định hướng trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong quy trình nghiệp vụ như: Chatbots hay trợ lý ảo (những phần mềm điện tử có khả năng thực hiện các dịch vụ cho cá nhân người sử dụng). Đối với các hoạt động chuyên môn như giám sát sẽ phát triển thêm các nền tảng dữ liệu tập trung để lưu trữ, xử lý và phân tích dữ liệu về người gửi tiền và các tổ chức tài chính tham gia bảo hiểm tiền gửi. Quy trình và thủ tục bồi thường theo hướng tự động hóa dựa trên cơ sở định danh, xác thực điện tử,….

Thông qua việc từng bước chuyển đổi số trong hoạt động quy trình nghiệp vụ, ứng dụng tốt chuyển đổi số trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi chính là động lực để tăng cường nhận thức về chính sách, qua đó nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Linh Thư

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục